Giáo sư tại Đức đề nghị: Dỡ phong tỏa 3 bước
Giáo sư Kekule, người từng hối thúc kiểm soát Covid-19 tại Đức, đề xuất kế hoạch dỡ phong toả ba bước, trong đó để người trẻ nhiễm, nhằm hạn chế thiệt hại kinh tế, xã hội.
- Nhật ký cách ly của Châu Bùi: Ăn uống đủ chất, tự giặt quần áo, tập thể dục đều đặn
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Cách ly xã hội là vũ khí duy nhất đẩy lùi dịch bệnh
- Chính Phủ: 15 ngày cách ly là thời gian vàng để hạn chế tối đa việc lây nhiễm
Người dân Đức bên một bờ kênh ở thủ đô Berlin hôm 10/4. Ảnh: AFP.
"Chờ đợi vaccine là bất khả thi. Vaccine chống nCoV có thể tung ra thị trường sớm nhất là trong 6 tháng tới, nhưng tôi cho rằng sẽ phải mất gần một năm. Không thể áp lệnh phong tỏa suốt 6 tháng, trừ khi chúng ta muốn hủy hoại nền văn hóa và xã hội", giáo sư Alexandre Kekule cho biết hôm nay.
Ông là chuyên gia bệnh dịch tại Đại học Halle của Đức, từng dự đoán Covid-19 sẽ bùng phát tại châu Âu và công khai kêu gọi chính quyền Thủ tướng Angela Merkel áp dụng biện pháp sàng lọc hành khách di chuyển quốc tế tại các cửa khẩu, sân bay từ tháng 1.
Giáo sư Kekule cũng ủng hộ biện pháp phong tỏa biên giới, đóng cửa trường học và cơ sở kinh doanh hồi tháng 3, khi số ca nhiễm nCoV tại Đức tăng vọt. "Đó từng là lựa chọn duy nhất để ngăn bệnh dịch lây lan và làm quá tải bệnh viện, nhưng giờ đây chúng ta phải xem xét khả năng lệnh phong tỏa kéo dài sẽ gây thiệt hại nặng hơn nCoV", ông nói. Giáo sư Kekule cho rằng chính quyền Đức cần lên kế hoạch gỡ bỏ phong tỏa một cách an toàn dựa trên ba bước:
Bước một bắt đầu bằng việc tiếp tục cách ly những nhóm dân cư dễ tổn thương vì Covid-19 gồm người cao tuổi và người có bệnh lý nền. "Cần khuyến khích họ ở trong nhà và tìm cách giúp họ vượt qua giai đoạn này, như phát triển ứng dụng giúp mua hàng trực tuyến hoặc duy trì quan hệ xã hội. Nếu họ quyết tâm ra đường, chính quyền phải bảo đảm họ sẽ đeo khẩu trang bảo vệ đủ tiêu chuẩn", ông nêu quan điểm.
Bước tiếp theo là chuyển từ cách biệt cộng đồng sang "giãn cách thông minh", trong đó yêu cầu những người có nguy cơ tiếp xúc cao như tài xế taxi, thu ngân siêu thị đeo khẩu trang và vệ sinh cá nhân thường xuyên. "Về cơ bản, chúng ta phải quen với việc đeo khẩu trang, nhất là trong không gian kín", giáo sư Kekule nói.
Bước cuối cùng cũng là biện pháp gây tranh cãi nhất khi Kekule cho rằng nên để người trẻ tuổi mắc bệnh. "Những người dưới 50 tuổi rất khó tử vong hoặc gặp biến chứng nặng vì nCoV. Cần để họ nhiễm virus để phát triển hệ miễn dịch", ông nói, thêm rằng cần sớm mở cửa lại trường học.
Đây là chính sách xây dựng "miễn dịch cộng đồng" từng được Anh ủng hộ nhưng phải từ bỏ khi tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát. Tuy nhiên, ông cho rằng nó vẫn có tác dụng nếu Covid-19 được kiềm chế và các bệnh viện không gặp nguy cơ quá tải.
"Một số biến chứng có thể xảy ra, khiến số ít người trẻ tử vong. Điều đó nghe rất lạnh lùng nhưng chúng ta sẽ phải chấp nhận. Miễn dịch cộng đồng là giải pháp duy nhất hiện nay, không thể chờ đợi vaccine, chúng ta cần tìm cách sống chung với nCoV", Kekule cho hay.
Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel đã bác bỏ khả năng sớm gỡ lệnh phong tỏa, cho rằng nước Đức không thể mất cảnh giác. "Chúng ta có thể nhanh chóng phá hủy mọi thứ đã đạt được", bà phát biểu trên truyền hình hồi giữa tuần. Theo Telegraph.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận