Hệ thống CSDL Quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức chính thức khai trương
Theo đó, hệ thống Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đã đi vào hoạt động sau 8 tháng triển khai thí điểm, hoàn thành kết nối và đồng bộ với trên 35 bộ, ngành địa phương và đang tiếp tục mở rộng triển khai trên quy mô toàn quốc.
- Bộ TT&TT: Những hoạt động nổi bật trong lĩnh vực chuyển đổi số, chính phủ số
- CSDL chuyên ngành BHXH - Kiến tạo Chính phủ số, chuyển đổi kinh tế số
- "Chính phủ điện tử chỉ thực sự đem lại hiệu quả khi an toàn phục vụ người dân và doanh nghiệp"
Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và triển khai các nhiệm vụ năm 2023 của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, “Năm 2023 là năm của dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo giá trị mới”. Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số trong mọi mặt hoạt động, Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/BCSĐ về Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, xác định nhiệm vụ xây dựng CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đây cũng là bước đi cụ thể hiện thực hóa các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 893/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.
Chính thức triển khai vào tháng 5/2022, sau 8 tháng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã khẩn trương tổ chức thực hiện. Đến nay, CSDL quốc gia về CBCCVC cơ bản đã hoàn thành các giai đoạn thiết kế, xây dựng phần mềm, lắp đặt thiết bị hạ tầng, cài đặt hệ thống, đào tạo và triển khai toàn quốc trên phạm vi 96 bộ, ngành, địa phương.
Bộ Nội vụ đã phối hợp triển khai thí điểm tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bến Tre để hoàn thiện hệ thống, góp ý cho danh mục dữ liệu dùng chung và biểu mẫu. Sau khi hoàn thành đào tạo, tập huấn trên toàn quốc, hệ thống bắt đầu triển khai chính thức vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 và đến thời điểm này đã tích hợp, đồng bộ được dữ liệu của 35 bộ, ngành, địa phương về cơ sở dữ liệu quốc gia.
Việc đưa vào vận hành, khai thác CSDL quốc gia về CBCCVC được đánh giá sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý CBCCVC trong các cơ quan nhà nước. Ngoài việc hợp nhất cơ sở dữ liệu trên toàn quốc, số hóa công tác quản trị dữ liệu, thống kê, báo cáo hỗ trợ công tác nghiên cứu, tham mưu hoạch định chính sách… giúp tiết kiệm chi phí, minh bạch hóa công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng mục tiêu xây dựng nền hành chính tiên tiến, chuyên nghiệp và hiện đại, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng, phát triển Chính phủ số của Bộ Nội vụ nói riêng và các Bộ ngành, địa phương trong toàn quốc nói chung.
Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cổng dịch vụ công, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương… sẽ giúp tổng hợp, phân tích dữ liệu, dự báo hỗ trợ trong việc ban hành chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ, nguồn nhân lực theo thời gian thực.
Theo Bộ Nội vụ, để CSDLQG về CBCCVC được khai thác và phát huy tính hiệu quả trên phạm vi toàn quốc, tất cả các bộ, ngành, địa phương cần cập nhật, chuẩn hóa và đồng bộ về CSDLQG với đầy đủ thông tin, dữ liệu biến động về cán bộ, công chức, viên chức của bộ, ngành, địa phương theo thời gian thực. Hệ thống cũng cần hoàn thiện việc kết nối liên thông với CSDL về BHXH và CSDLQG về Dân cư nhằm bổ sung, xác nhận dữ liệu để đảm bảo CSDLQG về CBCCVC là cơ sở dữ liệu gốc của quốc gia liên quan đến công tác cán bộ công chức viên chức; phục vụ mục tiêu sử dụng sơ yếu lý lịch hợp nhất điện tử thay thế các mẫu sơ yếu lý lịch giấy đang cùng tồn tại; xây dựng cổng tuyển dụng công chức viên chức quốc gia nhằm minh bạch, nhanh chóng, đồng bộ trong công tác tuyển dụng, phân công, sử dụng hiệu quả nguồn lực cán bộ công chức viên chức để phát triển đất nước.
Theo tạp chí Điện tử & Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận