Cần linh hoạt trong áp dụng và giải thích hợp đồng trong xây dựng và bất động sản
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện VIAC SYMPOSIUM 2024, ngày 27/6, tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức phiên nội dung với chủ đề “Những khó khăn và rủi ro pháp lý trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng & phát triển bất động sản trong giai đoạn thị trường biến động”.
Lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Theo kết quả khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp tháng 1/2024 của Vietnam Report, năm 2024 có những tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của ngành xây dựng. Theo đó, mở ra tiềm năng cho một chu kỳ tăng trưởng mới trong mảng đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển bất động sản tư nhân. Dù vậy, kèm theo đó là sự gia tăng rủi ro pháp lý và nguy cơ phát sinh tranh chấp. Hơn thế, bối cảnh thị trường xây dựng và bất động sản ngày càng hội nhập phát triển, đòi hỏi các bên tham gia phải trang bị kiến thức vững vàng trong việc quản lý rủi ro pháp lý và giải quyết các tranh chấp.
Các đại biểu tham dự chương trình.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC cho rằng, ngành xây dựng đóng vai trò quan trọng, xương sống trong việc phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia: cung cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu cho đất nước, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ phát triển. Tuy nhiên, giai đoạn 2022-2023, thị trường bất động sản trong nước có biến động mạnh theo chiều hướng đi xuống kéo theo khó khăn trực tiếp tới ngành xây dựng. Sự biến động của giá nguyên vật liệu và nguồn vốn đã ảnh hưởng đến tiến độ, chi phí của các dự án xây dựng. Điều này đặt ra những thách thức về tài chính, quản lý, dẫn đến nguy cơ phát sinh các tranh chấp không mong muốn giữa các bên liên quan.
“Khi thị trường xây dựng và bất động sản ngày càng hội nhập, phát triển, các vấn đề về tranh chấp và rủi ro pháp lý còn có thể mở rộng ra quốc tế. Các dự án hợp tác với đối tác nước ngoài, các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, hay việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế đều đòi hỏi các bên tham gia phải trang bị kiến thức vững vàng trong việc quản lý và giải quyết các tranh chấp xuyên biên giới” - Chủ tịch VIAC nhận định.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC phát biểu tại sự kiện.
Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam Nguyễn Thị Duyên cho rằng, những rủi ro về hợp đồng đang diễn ra rất phổ biến với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản. Rủi ro hợp đồng đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thường gặp bao gồm: rủi ro pháp lý của dự án; rủi ro bàn giao mặt bằng không đúng kế hoạch, về hệ thống tiện ích; rủi ro thông tin, rủi ro thanh toán...
Theo bà Nguyễn Thị Duyên, để hạn chế cũng như quản trị những rủi ro đó, cần áp dụng mẫu hợp đồng phù hợp, nhất là cần hiểu đúng các điều khoản, ngôn ngữ hợp đồng trong các mẫu hợp đồng quốc tế để hạn chế các bất cập, rủi ro. Đồng thời, phải hiểu các quy định bắt buộc của Việt Nam để sửa đổi, bổ sung trong điều kiện riêng nhằm hạn chế những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện hợp đồng. Bà Nguyễn Thị Duyên cũng đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp cần chú ý đảm bảo tính tuân thủ thông qua quá trình giám sát tính tuân thủ dự án, từ đó giảm thiểu nguy cơ gặp phải các vấn đề pháp lý và chậm trễ.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam và Hiệp hội tư vấn xây dựng Việt Nam.
Liên quan đến ngôn ngữ trong hợp đồng quốc tế, Luật sư Nguyễn Ngọc Minh - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Tư vấn Độc lập cho rằng, do sự khác biệt trong cách tiếp cận hợp đồng, các bên trong hợp đồng có quốc tịch khác nhau, đến từ các nước có truyền thống pháp luật khác nhau dẫn đến việc tiếp cận và giải thích hợp đồng khác nhau. Vì thế, doanh nghiệp cần linh hoạt trong việc áp dụng và giải thích hợp đồng khi xảy ra tranh chấp”.
Luật sư Nguyễn Ngọc Minh đồng thời cho rằng, trên thực tế, các loại tranh chấp xây dựng thường phát sinh do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu từ các vi phạm của chủ đầu tư hoặc của các nhà thầu. Luật sư Nguyễn Ngọc Minh cũng chỉ ra sai phạm của chủ đầu tư thường do tiến độ thanh toán theo khối lượng công việc, tự ý thay đổi khối lượng công trình hoặc yêu cầu kỹ thuật mà không có sự thống nhất của nhà thầu thi công xây dựng công trình... Còn đối với các nhà thầu, sai phạm thường do thi công không đúng thiết kế, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng công trình, không hoàn thiện đúng và đủ hồ sơ thanh toán, hồ sơ quyết toán hợp đồng, không thực hiện nghĩa vụ bảo hành sau khi hoàn thành công trình…
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng