Đã uống rượu bia thì đi xe đạp cũng bị phạt
Từ ngày 1/1/2020, hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn bị nghiêm cấm. Đây là một điều hết sức mới so với trước đây.
Sau khi thổi vào máy đo, CSGT đưa người đi xe máy xem nồng độ cồn vượt mức cho phép (0,25 miligam/1 lít khí thở) - Ảnh: T.T.D.
Ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia - chia sẻ thêm: Với quy định trên, người điều khiển phương tiện giao thông dù là ôtô, xe máy, xe đạp, tàu, thuyền, máy bay... nếu uống rượu trước hoặc trong khi điều khiển phương tiện đều bị phạt, không có mức chưa bị phạt như đối với xe máy trước đó. Cách đối phó tích cực nhất là xác định tâm thế "đã uống rượu bia thì không lái xe".
Ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - Ảnh: VIỆT DŨNG
Sinh mạng con người là trên hết
* Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn cũng như đánh giá về một số điểm mới trong luật này?
- Quá trình xây dựng Luật phòng chống tác hại của rượu, bia này được trao đổi, thảo luận rộng rãi giữa các đại biểu Quốc hội với nhau và các cơ quan của Chính phủ, trong nhân dân để đưa ra được quy định. Dù luật chưa hoàn toàn như mong muốn của một số bên, nhưng tôi cho rằng luật này rất tiên tiến.
Trong những cuộc họp về dự thảo luật do các cơ quan của Quốc hội chủ trì nhiều khi còn những ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, sau khi thảo luận, đặc biệt là được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận, Thường vụ Quốc hội đã quyết tâm xin ý kiến và đã nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội để ban hành quy định cấm hoàn toàn hành vi điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Một số quy định mới lần này tôi cho rằng khá nhân văn như: quy định trách nhiệm của cha mẹ phải ngăn chặn, không để trẻ em dưới 18 tuổi tiếp cận rượu bia; cơ sở bán rượu bia cho người sử dụng tại chỗ phải thông tin phù hợp về quy định đã uống rượu bia không lái xe đối với khách hàng; kết nối phương tiện giao thông công cộng đưa khách hàng về sau khi uống rượu bia...
* Một số nước vẫn cho phép tài xế có mức nồng độ cồn nhất định. Nên có ý kiến cho rằng Việt Nam cấm hoàn toàn việc uống rượu bia rồi lái xe là khắt khe. Ông nghĩ sao?
- Sáng 30/12/2019, tôi đọc một khảo sát trên báo Tuổi Trẻ Online thấy có khoảng 7.900 người ủng hộ cấm tuyệt đối uống rượu rồi lái xe, có 1.200 người muốn điều chỉnh. Chúng ta phải tự đặt câu hỏi tại sao khi ban hành quy định này, người dân ủng hộ nhiều như thế. Quốc hội và dư luận xã hội đều ủng hộ.
Có người nói là chúng ta khắt khe, nhưng cũng có nhiều người cho rằng mình cấm hoàn toàn vi phạm nồng độ cồn khi lái xe là để ngăn ngừa tai nạn, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người vi phạm và những người khác cũng là nhân văn. Chúng ta quy định thế này được nhân dân ủng hộ thì cứ thế mà làm. Sinh mạng con người là trên hết nên cần có giải pháp để giảm thiệt hại về sinh mạng con người được chừng nào đáng quý chừng đó.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Đã uống thì không lái!
* Luật cấm tất cả những người điều khiển phương tiện giao thông kể cả xe đạp uống rượu bia. Vậy ông có lưu ý gì khi luật có hiệu lực?
- Tất cả mọi người chỉ cần nhớ và thực hiện một điều là "đã uống rượu bia thì không lái xe", bất kể xe gì. Đó là thông điệp rất rõ. Trong lòng mình tâm niệm điều đó thì sẽ có cách ứng xử: tôi vẫn đi uống rượu nhưng đã uống thì không lái.
Ai cũng biết chắc nhậu xong vẫn lái xe sẽ nguy hiểm thì tại sao lại không có phương án về sự đi lại? Phải hiểu với nhau rạch ròi là pháp luật không cấm việc uống rượu, chỉ cấm uống rượu rồi vẫn lái xe, để đảm bảo an toàn cho chính mình và người khác.
* Ông có thể đánh giá về sự tác động của những quy định mới này?
- Chúng ta quy định đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm nhưng không phải ai đi xe máy cũng bị ngã và ngã cũng chưa chắc bị đập đầu.
Do đó, nếu nhìn nhận việc cấm tuyệt đối người điều khiển xe uống rượu bia là cơ hội để những người uống rượu bia nhận thức rõ ràng một ranh giới thực sự thì rất tốt. Trước kia còn bảo mình uống 1, 2 cốc bia không sao vì đi xe máy còn chưa bị phạt khi chưa đến nồng độ vi phạm. Trong khi cảm nhận này rất cảm tính.
Cho nên khi đưa ra quy định cấm uống tuyệt đối trước khi lái xe thì trong tâm thức của người uống rượu bia hiểu rằng chỉ cần uống rượu bia rồi lái xe là phạm luật, không cần tính bao nhiêu lon, bao nhiêu chai mới bị xử lý.
Điều này giúp nhận thức sẽ khác đi, không còn tự mình mặc cả với mình uống đến bao nhiêu. Như vậy, người ta sẽ có sự thay đổi, sự ứng xử khác khi vẫn uống và không lái xe nữa mà đi chung xe, taxi, xe ôm, hay dặn người nhà, bạn bè đến đón về.
Có thể số người uống rượu bia chưa giảm nhiều nhưng tôi nghĩ với quy định như vậy sẽ tạo sự thay đổi về tâm lý và nhận thức rõ ràng thì sẽ giảm người vi phạm uống rượu, bia rồi lái xe.
Xử lý nghiêm ngay những ngày tết
* Luật phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực ngay trong dịp Tết Nguyên đán. Lực lượng chức năng có mạnh tay xử lý vi phạm?
- Bộ Công an đã chỉ đạo CSGT ra quân đợt cao điểm xử lý vi phạm từ ngày 15/12, trong đó chú trọng xử lý vi phạm nồng độ cồn. Quan điểm của Bộ Công an rất rõ là tập trung xử lý, kể cả đặt chốt ở gần những nhà hàng, quán nhậu. Sự ủng hộ của người dân về xử lý người vừa nhậu xong lại lái xe là rất lớn.
Những ai nhậu say, chống đối kiểm tra nồng độ cồn thì dân sẽ lên án. Nếu say còn gây tai nạn thì dân phẫn nộ, sẵn sàng phối hợp với lực lượng chức năng truy bắt. Rõ ràng đây là chủ trương rất thuận lòng dân trong giai đoạn này. Bộ Công an sẽ làm đều tay và xác định sẽ duy trì lâu dài. Số một trong các nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông của năm 2020 là xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã nói rất rõ phải xác định việc dừng xe, xử phạt nghiêm với những hành vi vi phạm, ngăn chặn người có nồng độ cồn tiếp tục lái xe đấy là món quà tết có ý nghĩa và nhân văn nhất. Bởi vì việc này ngăn ngừa được tai nạn, đem lại an toàn cho người vi phạm và cộng đồng.
* Bản thân ông từ khi làm công tác an toàn giao thông tới giờ đã có lần nào vì vui mà lỡ lái xe sau khi uống rượu bia hay không?
- Lần cuối cùng tôi uống rượu rồi lái xe máy cách đây khá lâu rồi, khi tôi chưa làm việc trong cơ quan quản lý nhà nước. Tôi chở vợ đang mang bầu đứa con đầu lòng bằng xe máy và suýt gây tai nạn nên đổi cho vợ lái xe, còn tôi ngồi sau ngủ gật, suýt rơi xuống đường. Sau lần đó, tôi thấy chẳng có lý do gì để phải tự đưa mình vào tình thế nguy hiểm như vậy.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận