Dân gặp nhiều phiền toái từ thẻ căn cước công dân
Nhiều người gặp phải phiền toái, rắc rối bởi việc thay đổi chứng minh nhân dân (CMND) sang dùng thẻ căn cước công dân (CCCD) khi thực hiện các giao dịch liên quan ngân hàng, công chứng, nhà đất…
- Bao giờ thì bỏ được thủ tục sổ hộ khẩu sau khi cấp thẻ căn cước công dân?
- Thủ tục ngân hàng đang là "lỗ hổng" được các công ty fintech khai thác
Nhiều người vẫn phải lưu bản chính hoặc bản sao chứng minh nhân dân cũ sau khi có căn cước công dân
Từ năm 2016 - Luật Căn cước công dân có hiệu lực, có ba loại giấy tờ tùy thân cùng tồn tại là CMND 9 số, CMND 12 số và CCCD. Người dân gặp không ít rắc rối, phiền toái từ những giấy tờ tùy thân trên khi giao dịch trong các lĩnh vực khác nhau.
Cuối tuần qua, anh L. A. Đ (Thanh Xuân, Hà Nội) đến làm thủ tục giao dịch tại Techcombank (chi nhánh Cầu Giấy, Hà Nội). Tại đây, sau khi xuất trình CCCD để thực hiện giao dịch, nhân viên yêu cầu phải có CMND cũ hoặc giấy xác nhận của cơ quan công an nơi cấp CCCD, hoặc sổ hộ khẩu có ghi số CMND cũ thì mới thay đổi chủ tài khoản sang số CCCD.
Anh L.A. Đ không đồng tình, vì cho rằng CCCD đã được cơ quan công an cấp đổi là đủ điều kiện, ngân hàng phải chủ động tra cứu, cập nhật. Tuy nhiên, nhân viên này giải thích: “Ngân hàng là công ty bình thường, không liên kết thông tin với hệ thống dữ liệu cư dân của cơ quan công an quản lý”. Dù rất cần giải quyết công việc nhưng không có giấy tờ như yêu cầu, anh buộc phải về xin xác nhận của công an.
Chị T.T.N.H. (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng gặp rắc rối khi thực hiện công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có ghi số CMND cũ trong khi chị đã đổi sang CCCD. Chị H cho biết, để có thể công chứng hợp đồng mua bán, chị phải đi làm thủ tục đính chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Tuấn Đạo Thanh, Trưởng Văn phòng Công chứng số 1 Hà Nội (Sở Tư pháp Hà Nội) cho biết, những việc như trên diễn ra hằng ngày ở các văn phòng công chứng. “Phức tạp không chỉ xảy ra ở việc đổi CMND từ 9 số lên 12 số hay đổi sang CCCD, mà ngay từ việc di dân từ tỉnh này sang tỉnh khác, số CMND đã khác rồi. Đơn cử như một người ở tỉnh A mà di cư sang tỉnh B, rồi làm lại CMND, số đã khác. Khi người đó quay lại nơi ban đầu làm thủ tục về nhà đất đã rất phức tạp”, ông Thanh cho hay.
Trước mắt cấp giấy phụ, lâu dài phải chia sẻ dữ liệu
Về giải pháp, nhiều người đề nghị trên mẫu thẻ CCCD nên ghi rõ số CMND cũ của người được cấp như trên. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không dễ thực hiện. Ông Tuấn Đạo Thanh cho hay: “Cách giải quyết ổn thỏa nhất là đổi mẫu căn cước.
Tuy nhiên, đây là việc rất phức tạp vì liên quan đến luật, nghị định… Vì thế, người dân khi đi đổi căn cước đề xuất hoặc cơ quan công an chủ động cấp một giấy xác nhận để tạo điều kiện cho người dân thực hiện các giao dịch liên quan”, ông Thanh đề nghị. Theo ông Thanh, việc tồn tại CMND, CCCD và cấp kèm thêm giấy xác nhận vẫn rất bất tiện.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng cho biết, khi làm Luật Căn cước công dân, Quốc hội đã tính đến vấn đề này. Theo đó, khi luật này có hiệu lực, về nguyên tắc, người dân chỉ cần sử dụng CCCD để thực hiện các giao dịch nếu cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân được đưa vào vận hành, khai thác.
“Một số cơ quan như ngân hàng, đơn vị công chứng, các cơ quan một cửa yêu cầu phải xuất trình chứng minh thư cũ là không đúng quy định của Luật Căn cước công dân. Việc cơ quan công an cấp giấy xác nhận chỉ là giải pháp tình thế, bởi theo nguyên tắc người dân đã đổi từ chứng minh thư sang CCCD là đã được Nhà nước công nhận, giá trị của CCCD sẽ thay giá trị của những giấy tờ liên quan khác”, Thiếu tướng Hồng nói.
“Tôi đang đề nghị Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội tổ chức giám sát việc thực hiện Luật CCCD. Chính phủ phải có nghiên cứu để sớm triển khai Luật CCCD, thực hiện đúng tinh thần CCCD thay thế tất cả các giấy tờ khác”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận