Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Cần tạo cú hích để hiện đại hóa, khai thác hiệu quả tài nguyên
Công nghiệp khai khoáng đóng góp khoảng 2,8% GDP, đưa Việt Nam đứng khoảng thứ 70 trên thế giới (thống kê năm 2022). Sau 13 năm áp dụng Luật Khoáng sản 2010, tỷ trọng xuất khẩu khoáng sản thô còn khá lớn, chiếm khoảng 8% tổng kim ngạch thương mại. Điều này cho thấy Luật khoáng sản còn nhiều bất cập, cần sửa đổi để tạo cú hích hiện đại hóa ngành khai khoáng.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Hội thảo nhìn nhận ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam chưa phát triển hết tiềm năng, mới chỉ tập trung khai thác mà chưa có đủ công nghệ cũng như năng lực để đầu tư chế biến nhiều loại khoáng sản kim loại. Một số loại khoáng sản mang tính chiến lược, như đất hiếm vẫn chưa được khai thác để mang lại hiệu quả kinh tế, đối ngoại cho đất nước. Việc khai thác xuống sâu, khai thác ngầm nhiều loại khoáng sản còn gặp nhiều khó khăn.
Năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đặt ra nhiều mục tiêu, đến năm 2045 Việt Nam hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực châu Á. Để làm được điều này thì công tác xây dựng thể chế là đặc biệt quan trọng.
Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp tổ chức.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, khoáng sản là tài nguyên quan trọng thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển. Bởi vậy công tác ban hành thể chế quản lý đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo Chủ tịch VCCI, Luật Khoáng sản 2010 đã mang lại nhiều kết quả tích cực nhưng cũng có nhiều vấn đề phải sửa đổi, bổ sung. Sau 13 năm triển khai, số lượng mỏ khoáng sản được đấu giá rất thấp. Ở cấp Trung ương chỉ có 10 mỏ được đấu giá trên tổng số 441 giấy phép được cấp. Ở địa phương có 827 trường hợp đấu giá trên hơn 3000 giấy phép. Trong khi đó, giá trúng đấu giá luôn cao hơn từ 20 đến 40% giá khởi điểm, có trường hợp cao gấp 2-3 lần.
Cũng theo ông Phạm Tấn Công, vấn đề tài chính về khoáng sản cũng là nội dung cần được tháo gỡ. Theo luật hiện hành, vấn đề tài chính để cấp quyền khai thác khoáng sản được thu trước khi mỏ đi vào hoạt động, lại dựa trên số liệu ước đoán từ kết quả thăm dò, đang đẩy toàn bộ rủi ro về phía doanh nghiệp, khiến các dự án khoáng sản đã nhiều rủi ro lại càng thêm rủi ro.
Bên cạnh đó, sự thiếu minh bạch và không ổn định của các nghĩa vụ tài chính khác như thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường cũng làm các doanh nghiệp, ngân hàng do dự khi cân nhắc bỏ vốn vào các dự án khoáng sản quy mô lớn, hoặc các dự án đi kèm chế biến.
Vấn đề cải cách thủ tục hành chính như quy định thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cát, sỏi lòng sông không còn phù hợp; quy định về khu vực cấm/tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia không phù hợp với thực tiễn; quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản chưa chặt chẽ nhằm bảo đảm khoáng sản được khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, theo mô hình “kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”.
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản gồm 117 Điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 1 chương và 31 Điều so với Luật Khoáng sản năm 2010. Dự thảo được Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo, dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 và xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 8.
Tại hội nghị, đa phần các đại biểu cho rằng tuy nhiên còn nhiều nội dung cần được làm rõ, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản về cơ bản đã khắc phục được những tồn tại của Luật khoáng sản năm 2010. Với việc Dự thảo được đưa ra Quốc hội thảo luận và thông qua, ngành công nghiệp khai khoáng sẽ có hành lang pháp lý mới cho phép hiện đại hóa và khai thác hiệu quả tài nguyên đất nước.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng