Hơn 213 nghìn khách hàng đã được vay vốn ưu đãi phục hồi kinh tế
Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, tính đến ngày 30/6/2022, ngân hàng đã giải ngân 8.896 tỷ đồng vốn vay ưu đãi trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, với hơn 213.000 khách hàng vay vốn.
- Cuộc đua chuyển đổi số giữa các ngân hàng
- Việt Nam chịu ảnh hưởng ra sao khi một số ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT?
- "Ngành ngân hàng sẽ có sứ mạng đi đầu về chuyển đổi số"
Theo đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm là 6.832 tỷ đồng với 142.359 khách hàng; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến 654 tỷ đồng cho 65.593 khách hàng; cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ là 1.259 tỷ đồng với 4.050 khách hàng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 là 151 tỷ đồng với 1.851 khách hàng.
Cũng theo Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai kịp thời cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động khi ngừng việc và sau khi phục hồi sản xuất. Từ khi triển khai thực hiện đến kết thúc đợt giải ngân ngày 31/3/2022, 63 chi nhánh tỉnh, thành phố đã thực hiện giải ngân cho 1.548 người sử dụng lao động với số tiền 4.787 tỷ đồng để trả lương cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động.
Cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho thấy, tính đến ngày 30/6/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 286.169 tỷ đồng, tăng 29.844 tỷ đồng, tương đương tăng 11,6% so với năm 2021. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 273.541 tỷ đồng, tăng 25.384 tỷ đồng, tương đương tăng 10,2% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 495.900 lao động, giúp hơn 3.100 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 12.800 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập...
Gắn liền với việc tăng trưởng dư nợ, việc nâng cao chất lượng tín dụng được chú trọng thực hiện. Đến 30/6/2022, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh toàn hệ thống chiếm 0,7%/tổng dư nợ; trong đó, nợ quá hạn chiếm khoảng 0,2% tổng dư nợ.
Từ nay tới cuối năm 2022, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng yêu cầu toàn hệ thống tổ chức triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2022, đặc biệt là giải ngân các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, tích cực, chủ động thực hiện huy động các nguồn vốn, nhận vốn ủy thác từ ngân sách địa phương.
Cùng đó, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng trong toàn hệ thống. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng quản lý và xử lý nợ trong toàn hệ thống, đảm bảo việc xử lý nợ đúng đối tượng, công bằng, khách quan; quan tâm đến công tác xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan.
Bên cạnh đó, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung triển khai chuyển đổi số và đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngân hàng trong những tháng cuối năm 2022.
Tại hội nghị, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ngân hàng Chính sách xã hội đã công bố các Quyết định khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các tập thể, cá nhân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận