Kinh tế số sẽ đóng góp 30% GDP của Việt Nam trong 10 năm tới
Đó là mục tiêu của Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 vừa mới được Thủ tướng ban hành cùng với nhiệm vụ duy trì vị trí của Việt Nam trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu về chỉ số Chính phủ điện tử.
- Dữ liệu chính là đơn vị tiền tệ trong thời đại kinh tế số
- Kinh tế số - Giải pháp bứt phá để phục hồi tăng trưởng thời kỳ hậu dịch COVID-19
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Nền tảng số "Make in Vietnam" đã sẵn sàng cho kinh tế số
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 52-NQ/TW.
Theo Chiến lược này, đến năm 2030 duy trì xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới; chỉ số An toàn, an ninh mạng toàn cầu của Liên hiệp Viễn thông quốc tế (ITU) thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; chỉ số Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc thuộc nhóm 50 nước đứng đầu.
GDP của Việt Nam có thể nhận đóng góp tới 30% từ kinh tế số trong 10 năm tới.
Kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm; phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; hoàn thành xây dựng Chính phủ số; hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Theo đó, định hướng của Chiến lược là nâng cao chất lượng thể chế và năng lực xây dựng chính sách; phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; đầu tư, nghiên cứu, phát triển một số công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như công nghệ robot, vật liệu tiên tiến, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, công nghệ trong y học, internet vạn vật, dữ liệu lớn, chuỗi khối...; mở rộng hợp tác quốc tế và hội nhập về khoa học và công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong đó, Chiến lược sẽ đẩy mạnh phát triển internet tốc độ cao, hạ tầng số an toàn, đáp ứng nhu cầu về kết nối và xử lý dữ liệu lớn; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào quản lý nhà nước trong tất cả các lĩnh vực; đầu tư, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý nhà nước (GovTech) và cung cấp dịch vụ công; xây dựng hệ thống thông tin kinh tế - xã hội thời gian thực phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ…
Cụ thể, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là chủ động tận dụng có hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cơ bản làm chủ và ứng dụng rộng rãi công nghệ mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; từng bước sáng tạo được công nghệ mới nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số.
Đồng thời, Chiến lược đề ra mục tiêu phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi và sức khỏe của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và gắn kết chặt chẽ quá trình ứng dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với công tác bảo vệ an ninh mạng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận