'Thà xóa quy hoạch chứ nhất quyết không làm nhiệt điện than'
Với phương châm "thà xóa quy hoạch chứ nhất quyết không làm nhiệt điện than", lãnh đạo tỉnh Long An kiên trì đề xuất Chính phủ điều chỉnh 2 dự án nhà máy nhiệt điện từ sử dụng than sang khí hóa lỏng.
- 2 “ông lớn” về công nghệ của thế giới muốn đầu tư nhiệt điện khí tại Việt Nam
- Nhiệt điện công nghệ siêu tới hạn tại Bình Thuận chính thức đi vào hoạt động
- EOR 2019: Năng lượng điện Việt Nam vẫn phụ thuộc vào than đá và thuỷ điện
Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 (tỉnh Hậu Giang) cùng với nhiều dự án nhiệt điện khác mọc lên khắp ĐBSCL đang gây lo ngại về ô nhiễm môi trường - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ngày 25/11, ông Nguyễn Văn Út - phó chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết tỉnh vẫn đang làm thủ tục xin Chính phủ chấp thuận việc điều chỉnh nguồn nhiên liệu 2 nhà máy nhiệt điện Long An 1 và 2 từ sử dụng than chuyển sang sử dụng khí hóa lỏng.
Đến nay, Chính phủ vẫn chưa có ý kiến trả lời. Trong khi đó UBND tỉnh Long An đã báo cáo về nhà đầu tư tiềm năng và vẫn đang cùng đối tác này khảo sát địa điểm để tiếp tục hoàn thiện dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí hóa lỏng trình Chính phủ.
Không thay đổi quan điểm "rắn"
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2016 về việc phê duyệt đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030, tỉnh Long An có 2 nhà máy nhiệt điện Long An 1 (2x600) MVA và Long An 2 (2x800) MVA sử dụng than.
Sau khi có đề án, đã có tập đoàn nước ngoài muốn đầu tư làm nhà máy nhiệt điện than. Từ tháng 7/2016, Tập đoàn Daewoo E&C Hàn Quốc khi đó ngỏ ý đầu tư và UBND tỉnh Long An đã thống nhất chọn xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc để triển khai đầu tư Nhà máy nhiệt điện than Long An 1 với công suất 1.320 MW, mức đầu tư lúc bấy giờ ước khoảng 2,7 tỉ USD.
Tuy nhiên khi thông tin về dự án này được công bố, nhiều người dân Long An bày tỏ ý kiến không đồng tình. Các buổi tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội tại Long An thời điểm này đều nhận được rất nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần cân nhắc trước dự án xây dựng Trung tâm nhiệt điện Long An tại xã Phước Vĩnh Đông.
Theo quy hoạch, tại Long An sẽ có hai nhà máy nhiệt điện dùng than nằm sát TP.HCM, nhưng Long An nói không với điện than và đang kiến nghị chuyển sang dùng khí hóa lỏng để giảm nguy cơ ô nhiễm - Đồ họa: T.ĐẠT
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Long An cũng tiếp tục tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, người dân về việc nghiên cứu sử dụng nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện này. Tất cả ý kiến tại các hội thảo đều không nhất trí với hình thức xây dựng nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu than bởi lo ngại sẽ gây ô nhiễm.
Đến giữa năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An đã thống nhất giữ nguyên quy hoạch phát triển trung tâm điện lực tại đây và nghiên cứu sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng để kêu gọi đầu tư.
Khi đó, trao đổi với PV chúng tôi, người phát ngôn của UBND tỉnh Long An đã đưa ra thông điệp khá "rắn" của thường trực Tỉnh ủy Long An: "Trong trường hợp không thể phát triển nhà máy nhiệt điện sử dụng khí hóa lỏng ở vị trí này thì xóa quy hoạch chứ không sử dụng nhiên liệu than, nhằm hạn chế những bất cập về môi trường".
Tháng 8-2018, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Công thương kiến nghị xin giữ nguyên quy hoạch Trung tâm điện lực Long An tại vị trí xã Long Hựu Đông và sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng.
Theo đó, Long An cho rằng việc quy hoạch Trung tâm điện lực Long An sử dụng nguồn nhiên liệu khí hóa lỏng sẽ đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững mà Nhà nước và Chính phủ đã đề ra và để phát triển kinh tế tỉnh Long An theo định hướng "nền kinh tế xanh - sạch - hiện đại".
"Trước đây, nhiều ý kiến đều phản đối bởi lo ngại tình trạng ô nhiễm vì nhiên liệu than, kể cả người dân một số khu vực ở TP.HCM. Tuy nhiên, sau các hội thảo lấy ý kiến về sử dụng nhiên liệu và khi Long An quyết định xây dựng dự án nhà máy sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng thì không còn gặp sự phản đối từ phía người dân nữa" - phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út nói.
Khu vực xã Long Hựu Đông, Cần Đước và phần đất trống đang được UBND tỉnh Long An kêu gọi nhà đầu tư chọn làm dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí hóa lỏng Ảnh: AN LONG
Dân không đồng thuận
Bộ Công thương cho biết đã giao Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 nghiên cứu, lập quy hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo kết quả hồ sơ quy hoạch vào tháng 3/2018, địa điểm dự kiến quy hoạch trung tâm điện lực tại xã Long Hựu Đông, Cần Đước không phù hợp để quy hoạch sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng nhập khẩu.
Bộ Công thương cũng trả lời không có đủ cơ sở để phê duyệt quy hoạch trung tâm điện lực sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng như kiến nghị của tỉnh Long An.
Tuy nhiên, Long An vẫn kiên quyết với ý định xây dựng nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng, song song đó kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng vào dự án này. Mới đây ngày 1/11, UBND tỉnh Long An tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh nguồn nhiên liệu 2 nhà máy nhiệt điện Long An 1 và 2 từ sử dụng than chuyển sang sử dụng khí hóa lỏng.
Theo văn bản này, trong quá trình triển khai nhà máy nhiệt điện Long An 1, Long An 2, tỉnh Long An đã tổ chức 3 hội thảo về trung tâm điện lực sử dụng than tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước. Theo đó, ý kiến đóng góp của các chuyên gia và đa số người dân là không đồng thuận về việc sử dụng nguồn nhiên liệu là than.
Do đó, UBND tỉnh Long An đã xem xét lựa chọn nhà đầu tư có thế mạnh về tài chính và kinh nghiệm hợp tác phát triển dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí hóa lỏng, và nhận thấy Công ty TNHH VinaCapital Corporate Finance Vietnam là nhà đầu tư có tâm huyết với dự án, đồng thời có đủ khả năng tài chính cũng như mạng lưới đối tác mạnh để thực hiện việc đầu tư Trung tâm điện lực Long An sử dụng nguồn nhiên liệu khí hóa lỏng.
Để có căn cứ xem xét quyết định việc chuyển đổi này, tỉnh đã chấp thuận để nhà đầu tư là Công ty TNHH VinaCapital Corporate Finance Vietnam và đối tác triển khai khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất đầu tư về việc điều chỉnh nguồn nhiên liệu của 2 nhà máy nhiệt điện Long An từ than sang khí hóa lỏng.
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh - Ảnh: T.L.
Sau khi nhận được hồ sơ đề xuất nêu trên, UBND tỉnh Long An sẽ phối hợp với nhà đầu tư báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Trao đổi với chúng tôi chiều 25/11, ông Lê Minh Đức - giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An - cho biết hiện việc sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng đang có nhiều ý kiến lo ngại về phương thức vận chuyển. Theo một số chuyên gia, việc vận chuyển khí hóa lỏng thông thường phải dùng tàu có tải trọng lớn, từ 100.000 - 150.000 tấn. Để việc vận chuyển thuận lợi, vị trí nhà máy phải đáp ứng được yêu cầu gần các rạch, sông lớn.
"Hiện tại, nhà đầu tư đưa ra một số địa điểm như hai địa điểm gần Khu công nghiệp Caric và địa điểm gần Khu công nghiệp Bắc Tân Tập (xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc) và một khu vực ở xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước để khảo sát vị trí thành lập dự án. Đây đều là các vị trí ven sông Soài Rạp, thuận lợi cho các luồng giao thông có thể vận chuyển nhiên liệu khí hóa lỏng" - ông Đức chia sẻ.
Thông tin thêm: Theo đề xuất từ Công ty TNHH VinaCapital Corporate Finance Vietnam, sẽ đầu tư thành một dự án chuỗi kho cảng khí điện (LNG) và Nhà máy điện Long An. Diện tích đất sử dụng trên phần bờ khoảng 100ha và 50ha diện tích phần mặt nước. Quy mô 2 nhà máy là 3.000 MW, sử dụng công nghệ tuôcbin khí chu trình hỗn hợp. Chế độ vận hành và hệ số công suất là tải nền, số giờ vận hành hằng năm ở công suất lắp đặt 6.500 giờ; nhu cầu nhiên liệu nhập khẩu khoảng 2,2 triệu tấn/năm cho 3.000 MW. Theo tổng sơ đồ điện VII (điều chỉnh), đến năm 2020 tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than khoảng 26.000MW (chiếm 42,7% tổng công suất nguồn toàn hệ thống), sản xuất khoảng 131 tỉ kWh (chiếm gần 50% sản lượng điện). Nhiều nhà máy nhiệt điện than công suất lớn đã liên tục đưa vào vận hành, trở thành nguồn chủ lực trong đảm bảo cung cấp an ninh năng lượng quốc gia. Việc gia tăng các nhà máy nhiệt điện than khiến nhu cầu than cho điện liên tục tăng, từ 26,25 triệu tấn năm 2015 lên 44,37 triệu tấn năm 2018 (tăng 69%) và năm 2019 là 54,3 triệu tấn (tăng khoảng 23%). Trong khi đó, khả năng than sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 36 triệu tấn, trữ lượng than dần cạn kiệt, công nghệ khai thác than trong nước gặp nhiều khó khăn, nên lượng than còn lại đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. |
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận