Thành phố thông minh cần một lộ trình số hoá cụ thể để "cất cánh"
Tại Hội nghị thượng đỉnh Thành phố Thông minh 2019, các nhận định đều cho rằng để xây dựng những thành phố thông minh trong tương lai cần những nền tảng công nghệ, nguồn lực tài chính và đặc biệt là một lộ trình số hoá đầy đủ để những đơn vị hành chính này "cất cánh".
- "Xây dựng thành phố thông minh phải gắn liền với chính quyền điện tử"
- ASEAN hướng tới xây dựng tiêu chuẩn hoá thành phố thông minh khu vực
- Hệ thống MEMS giải quyết được gì cho thành phố thông minh
Ngày 23/10, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Thành phố Thông minh 2019 – Đà Nẵng (Smart City Summit 2019 – Da Nang) với chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn bằng các giải pháp số”.
Hội nghị do UBND thành phố Đà Nẵng, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp tổ chức, với sự tham dự của Hiệp hội Lãnh đạo Thông tin ASEAN (ACIOA), Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á – Thái Bình Dương (ASOCIO) cùng hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các thành phố thông minh trên thế giới, các nhà khoa học, doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Xu hướng xây dựng thành phố thông minh đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Tại Việt Nam, trên 30 thành phố đang có đề án và hợp tác xây dựng Smart City. Lựa chọn công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, huy động nguồn lực tài chính, đặc biệt hợp tác công tư (PPP) là một trong những phương thức tất yếu, cần thiết trong quá trình xây dựng thành phố thông minh.
Trong Hội nghị, các đại biểu nghe các báo cáo tham luận chính: Kế hoạch xây dựng thành phố thông minh của Đà Nẵng, Xu hướng xây dựng thành phố thông minh trong khu vực ASEAN, Kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của Malaysia, Hợp tác công tư (PPP) trong xây dựng các thành phố thông minh...
Đáng chú ý là phiên thảo luận chuyên sâu giữa lãnh đạo cao cấp các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế về “Xây dựng thành phố thông minh - Tầm nhìn của Lãnh đạo”. Những cấu phần cốt lõi của việc xây dựng, phát triển và vận hành thành phố thông minh được đặt ra trong chương trình nghị sự bao gồm: Điều hành thành phố thông minh dựa trên Định hướng dữ liệu (Data Driven); Hạ tầng và Công nghệ cho Thành phố thông minh; Chính quyền số và Tài chính cho thành phố thông minh; Các ứng dụng Smart City.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết: Từ cuối năm 2018, Đà Nẵng đã ban hành Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh và phê duyệt Đề án xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Chúng tôi xác định Xây dựng thành phố thông minh không chỉ chuyển quản lý, điều hành từ truyền thống qua dựa trên dữ liệu và công nghệ mà còn là một trong các dự án động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới.
"Hội nghị hôm nay là dịp quan trọng để các cơ quan, tổ chức của thành phố tiếp cận, thảo luận với các đối tác, các chuyên gia trong và ngoài nước về mô hình, giải pháp, công nghệ, chính sách để áp dụng, triển khai các hệ thống ứng dụng thông minh tại thành phố Đà Nẵng thành công, hiệu quả, đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" Chủ tịch Thơ cho biết thêm.
Bên lề Hội nghị đã diễn ra Triển lãm giới thiệu sản phẩm và dịch vụ Công nghệ thông tin của các doanh nghiệp trong nước, quốc tế về ứng dụng Smart City trong các lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp, giao thông, y tế, du lịch...
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận