Thị trường tiền ảo Việt Nam cần sớm có hành lang pháp lý để bảo vệ nhà đầu tư
Để quản lý các sàn giao dịch tiền ảo tự phát đang "bùng nổ" trong thời gian qua khi pháp luật cần có những quy định cụ thể điều chỉnh để hạn chế rủi ro trong giao dịch cũng như xây dựng sân chơi an toàn với các nhà đầu tư.
- "Cha đẻ" của phần mềm diệt virus McAfee đối mặt với tội danh lừa đảo với hành vi "thổi giá" tiền ảo
- G7 sẽ kiểm soát chặt chẽ thị trường tiền kỹ thuật số đảm bảo an ninh tài chính
- Tiền kỹ thuật số - Tương lai của nền tài chính thế giới
Theo nhận định của Bộ Tài chính, hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng như chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.
Do vậy các hoạt động mua bán, trao đổi các đồng tiền ảo do một số cá nhân tại Việt Nam thực hiện thông qua các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế như Binance, Coinbase… hoặc thông qua hình thức thỏa thuận trực tiếp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Thị trường giao dịch tiền ảo Việt Nam hiện đang phát triển tự phát mà chưa chịu sự điều chỉnh của cơ quan quản lý nhà nước.
Do đó, Bộ Tài chính đã thành lập tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo để thiết kế chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ. Hiện tổ đã bước đầu triển khai việc nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo cũng như kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, giám sát liên quan.
UBCKNN (Bộ Tài chính), đơn vị được giao chủ trì Tổ nghiên cứu cũng đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ về "Xây dựng khuôn khổ pháp lý quản lý tài sản mã hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam".
Đề tài nghiên cứu có thể đưa ra những đề xuất ban đầu đối với vấn đề quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa trong thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đồng thời, Bộ Tài chính trong thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ về cơ chế quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo trong chức năng, nhiệm vụ được giao, hướng tới cân bằng giữa mục tiêu sáng tạo, tăng trưởng kinh tế với mục tiêu đảm bảo an toàn, an ninh cho thị trường tài chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư cũng như các thành viên khác tham gia thị trường.
Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tài sản ảo, tiền ảo, đồng thời tăng cường cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo chưa được pháp luật quy định.
Trước đó, UBCKNN đã có khuyến cáo các nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào tiền ảo, tài sản ảo để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra.
UBCKNN cũng đã có công văn đề nghị các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới tiền ảo trái pháp luật.
Việc thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo thực hiện Quyết định số 1255/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và Công văn số 11633/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ về báo cáo việc rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận