Công nghệ thông tin là giải pháp then chốt nhằm minh bạch và công khai hiệu quả quản lý
Liên kết và chia sẻ dữ liệu trên hệ thống công nghệ thông tin hiện đại là cơ sở áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
- Hải quan Việt Nam – Nhật Bản cùng tiến tới mô hình hải quan thông minh
- Hải quan chủ động ứng phó với các tình huống tấn công mạng
- Năm 2021: Tổng cục Hải Quan phấn đấu vượt 5% chỉ tiêu ngân sách được giao
Mục tiêu hiện đại hoá hệ thống thông tin ngành Hải quan xuất phát từ yêu cầu phải cách toàn diện công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, từ yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 36-NQ/TƯ năm 2014.
Nội dung này cũng đã thể chế hóa tại cải cách 5 và cải cách 7 của Quyết định 38/QĐ-TTg trong việc Áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp và Ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới.
Công nghệ thông tin được cho là lĩnh vực then chốt nhằm công khai, minh bạch trong công tác quản lý.
Tại dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đặt ra các quy định để ứng dụng tối đa hệ thống công nghệ thông tin trong thủ tục hành chính.
Hiện nay, nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành chưa thực hiện trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia, vẫn thực hiện trên chứng từ giấy, kết quả kiểm tra cũng không được cập nhật đầy đủ trên hệ thống nên các cơ quan quản lý nhà nước không có đủ thông tin để phân tích, đánh giá rủi ro và áp dụng phương thức kiểm tra phù hợp.
Theo ban soạn thảo, các nội dung cải cách về công nghệ thông tin tại dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng các thông tin được các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, đơn vị liên quan thu thập, đánh giá, cập nhật và chia sẻ trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, tạo thành trung tâm lưu trữ và xử lý dữ liệu tập trung để phục vụ công tác kiểm tra, quản lý cũng như giải quyết các thủ tục hành chính.
Cụ thể, quy định thống nhất việc thực hiện thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm và thủ tục đăng ký bản công bố hợp quy, đăng ký bản tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu được thực hiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia và quy định thực hiện thủ tục trong trường hợp hệ thống gặp sự cố.
Quy định rõ cơ chế đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm trong đó: quy định về tiêu chí đánh giá tuân thủ, nguồn thông tin phục vụ đánh giá tuân thủ pháp luật; quy định tiêu chí phân loại mức độ rủi ro (rủi ro cao, rủi ro thấp) để quyết định phương thức kiểm tra.
Căn cứ kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật, kết quả phân loại mức độ rủi ro của hàng hóa và thông tin liên quan đến mặt hàng nhập khẩu do tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm, Cổng thông tin một cửa quốc gia phản hồi thông báo phương thức kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm.
Theo ban soạn thảo, việc liên kết chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm của cơ quan kiểm tra; tăng cường vai trò quản lý nhà nước của bộ quản lý ngành, lĩnh vực trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, hoạch định và xây dựng chính sách quản lý kịp thời, chính xác, phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Qua đó giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp và cơ quan kiểm tra nhằm công khai, minh bạch trong công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.
Đồng thời cắt giảm hồ sơ, thủ tục kiểm tra do các chứng từ, thủ tục đã được điện tử hóa, doanh nghiệp không phải nộp các chứng từ đã được cấp hoặc cập nhật trên Cổng thông tin một cửa quốc gia mà chỉ phải khai đầy đủ thông tin về số hiệu, ngày cấp của chứng từ trên tờ khai hải quan khi khi làm thủ tục nhập khẩu.
Ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, liên kết và chia sẻ dữ liệu quản lý giúp rút ngắn thời gian xử lý từng khâu, từng đầu mối trong quá trình thực hiện thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Đặc biệt minh bạch hóa, công khai hóa thông tin xử lý của các cơ quan, tổ chức nhằm giải quyết triệt để những phiền hà, sách nhiễu trong quá trình thực hiện.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận