Facebook giảm chất lượng video để giải quyết tình trạng nghẽn mạng tại EU
Hưởng ứng lời kêu gọi của EU trong việc giải phóng băng thông video để ưu tiên cho hoạt động chăm sóc y tế và giáo dục qua mạng internet, Facebook đã phát đi thông báo giảm chất lượng hình ảnh để giải quyết tình trạng nghẽn mạng này.
- Australia kỳ vọng cân bằng thu nhập với Facebook, Google thông qua bộ quy tắc ứng xử
- Các nhà điều tra Đức có thể yêu cầu Facebook, Google cung cấp tài khoản người dùng
- CEO Facebook: Tiền điện tử Libra sẽ không bị kiểm soát bởi một công ty duy nhất
Facebook ngày 22/3 thông báo sẽ giảm chất lượng các đoạn video được đăng tải lên các nền tảng của mạng xã hội này tại khu vực châu Âu. Quyết định được đưa ra nhằm giải quyết tình trạng nghẽn mạng trong bối cảnh hàng nghìn lao động tại khu vực này đang phải làm việc tại nhà qua mạng internet do dịch COVID-19 lan rộng.
Thông báo của Facebook cho biết sẽ tạm thời giảm độ phân giải của các đoạn video trên mạng xã hội Facebook và ứng dụng Instagram tại châu Âu nhằm đối phó với khả năng xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Trước đó, các nền tảng phát video trực tuyến khác như Netflix, YouTube, Amazon và Disney cũng đã đưa ra bước đi tương tự.
Động thái trên được đưa ra nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), hối thúc các nền tảng phát video trực tuyến giải phóng băng thông để ưu tiên phục vụ các hoạt động chăm sóc y tế và giáo dục qua mạng Internet cho hàng nghìn học sinh phải ở nhà do trường học đóng cửa.
Dù các nhà điều hành viễn thông châu Âu cho biết hiện mạng lưới của họ có đủ năng lực đối phó với lưu lượng dữ liệu truyền tải hiện nay, song vẫn có lo ngại về tình trạng nghẽn mạng khi ngày càng nhiều người phải làm việc tại nhà do dịch COVID-19. Hiện các video phát trực tuyến có thể chiếm tới 2/3 lưu lượng dữ liệu trên các mạng cố định và di động.
Trước đó, Tập đoàn công nghệ Facebook cùng ngày thông báo sẽ hỗ trợ 100 triệu USD cho các doanh nghiệp nhỏ tại 30 quốc gia đối phó với những tác động về kinh tế của đại dịch COVID-19.
Theo đó, Facebook sẽ trao các khoản tiền mặt và tiền quảng cáo cho khoảng 30.000 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Facebook cũng nhất trí cung cấp 1 triệu USD cho các đối tác trong Mạng lưới kiểm chứng thông tin quốc tế (IFCN) để kiểm soát thông tin sai lệch về dịch bệnh.
Trước đó, Facebook cùng các tập đoàn công nghệ Microsoft Corp, Google và Twitter cho biết họ đang cùng nhau hợp tác để dập tắt các thông tin sai lệch liên quan tới đại dịch COVID-19 trên nền tảng của mình.
Các công ty bao gồm LinkedIn, Reddit và YouTube cũng thông báo đang phối hợp với các cơ quan y tế chính phủ các nước trên phạm vi toàn cầu để chia sẻ những cập nhật quan trọng về sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Trong diễn biến khác, để ngăn chặn hành vi trục lợi trong dịch COVID-19, Facebook cũng đã phát đi thông báo trong vài ngày tới sẽ bắt đầu tạm cấm những quảng cáo bán khẩu trang y tế nhằm ngăn chặn việc lợi dụng nền tảng này, đánh vào tâm lý lo ngại của người dân.
Facebook cho biết lệnh cấm trên áp dụng đối với các quảng cáo khẩu trang trên mạng truyền thông xã hội này cũng như các quảng cáo thương mại trên tính năng Marketplace của Facebook.
Giám đốc quản lý sản phẩm của Facebook, Rob Leathern cho biết các đội ngũ nhân viên đang giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sẽ tiến hành cập nhật các chính sách nếu phát hiện các đối tượng cố lợi dụng tình trạng khẩn cấp về y tế để trục lợi.
"Facebook lưu ý trước đó hãng đã công bố lệnh cấm các quảng cáo nói về những lợi ích sức khỏe của một sản phẩm cụ thể hoặc cam đoan một sản phẩm nào đó sẽ giúp người dùng tránh khỏi việc lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây COVID-19" Giám đốc quản lý sản phẩm này nhấn mạnh.
Một số quan chức y tế hối thúc người dân nên ngừng mua khẩu trang y tế. Trên mạng xã hội Twitter, người phụ trách Y tế cộng đồng Mỹ Jerome M. Adams ngày 29/2 vừa qua lưu ý: “Khẩu trang không hiệu quả để bảo vệ cả cộng đồng nói chung nhưng nếu những người cung cấp dịch vụ y tế không có khẩu trang để chăm sóc bệnh nhân thì họ và cộng đồng của chúng ta sẽ lâm nguy”.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận