FLoC - Thêm một nền tảng gây tranh cãi lớn trong giới công nghệ
Khi iOS 14.5 vẫn đang gây tranh cãi về tính bảo mật thì Google cũng đã không thể đứng ngoài xu thế này nhưng bằng cách xây dựng nền tảng giúp các nhà quảng cáo tiếp cận khách hàng mục tiêu mà vẫn đảm bảo quyền riêng tư có tên gọi Federated Learning of Cohorts (FLoC; tạm dịch: Công nghệ học tập nhóm tổ hợp theo liên kết).
- Kinh doanh online sẽ đi về đâu ‘thời iOS 14.5’
- App Tracking Transparency: Apple tung bản cập nhật iOS 14.5
- Google lấn sân sang y tế làm dấy lên lo ngại về bảo mật thông tin sức khoẻ người dùng
Theo đó, mục đích của Google với nền tảng FLoC là cung cấp cho các nhà quảng cáo một phương pháp quảng cáo tới nhóm đối tượng nhắm mục tiêu mà không để lộ thông tin cá nhân của người dùng.
FLoC - Cấp độ bảo mật mới cho người dùng android
Google đã bắt đầu thử nghiệm tham vọng muốn thay đổi cách theo dõi người dùng trên Internet thông qua một công cụ công nghệ mới, với cam kết về tăng cường bảo mật thông tin. Nhưng ý tưởng này lại không thu hút được nhiều sự ủng hộ từ các công ty công nghệ khác.
Triển khai FLoC sẽ giúp bảo mật thông tin người dùng nhưng vẫn có thể đảm bảo tiếp cận khách hàng đối với nhà quảng cáo của Google.
FLoC thực hiện điều này bằng cách nhóm những người có cùng sở thích lại với nhau: người hâm mộ bóng đá, tài xế, người ưa thích du lịch... Theo Google, phương pháp này ẩn giấu hiệu quả các cá nhân "trong đám đông" và sử dụng các công cụ xử lý trên thiết bị để giữ kín lịch sử duyệt web của người.
Các nhóm được tạo thông qua các thuật toán và người dùng sẽ được đưa vào một nhóm khác nhau theo mỗi tuần. Nhà quảng cáo sẽ chỉ có thể thấy mã định danh (ID) của nhóm đó. Bất kỳ nhóm nào quá nhỏ sẽ được gộp lại cho đến khi có ít nhất vài nghìn người dùng, nhằm khiến việc xác định danh tính cá nhân trở nên khó khăn hơn.
FLoC dựa trên ý tưởng về "Hộp cát quyền riêng tư" (Privacy Sandbox), một sáng kiến do Google dẫn đầu trong đó các trang web chỉ yêu cầu một số thông tin nhất định về người dùng mà không vượt quá mức đề ra.
Google muốn FLoC thay thế cách theo dõi người dùng Internet truyền thống: Cookie. Chúng là những đoạn văn bản và mã nhỏ được trình duyệt lưu trữ trên máy tính hoặc điện thoại, giúp các trang web biết liệu người dùng đã từng truy cập hay chưa, dạng trang web ưa thích của họ, hay nơi họ đang sinh sống...
Cookie có thể hữu ích cho cả trang web và khách truy cập, nhưng chúng cũng bị các nhà quảng cáo và nhà môi giới dữ liệu sử dụng để xây dựng các hồ sơ duyệt web.
Như Google đã chỉ ra, việc theo dõi bằng cookie ngày càng xâm phạm sự riêng tư của người dùng. Các mã theo dõi được nhúng sẵn, có phạm vi tiếp cận sâu được gọi là cookie của bên thứ ba ghi lại hoạt động duyệt web của người dùng.
Thêm nữa, nhà quảng cáo cũng sử dụng một kỹ thuật mang tính xâm phạm khác có tên "dấu vân tay kỹ thuật số" để biết người dùng là ai thông qua xác định ID máy tính hay thiết bị Bluetooth được kết nối, ngay cả khi người dùng bật các công cụ chống theo dõi.
Cộng đồng công nghệ lại "dậy sóng"
Các công ty công nghệ lớn, bao gồm cả Apple đã có động thái phản đối loại hình theo dõi mang tính xâm phạm trên, chủ yếu đơn giản là chặn cookie hoàn toàn mà không cần sự cho phép của người dùng.
Google muốn thay thế cookie bằng FLoC vào năm 2022, nhằm tiếp tục các hoạt động quảng cáo được nhắm mục tiêu trong khi ẩn danh người dùng. Nhưng ý tưởng này đã vấp phải làn sóng phản đối từ nhiều bên.
FLoC cũng là "dấu chấm" đối với các ứng dụng của bên thứ ba trên android.
Tổ chức phi lợi nhuận về quyền kỹ thuật số quốc tế Electronic Frontier Foundation (EFF) muốn loại bỏ hoàn toàn quảng cáo được nhắm mục tiêu. Họ cho rằng bất kỳ loại hình quảng cáo xác định mục tiêu nào đều mang tính xâm phạm và phân biệt đối xử.
Nhà sản xuất trình duyệt Vivaldi phổ biến cũng không ủng hộ FLoC. Họ mô tả FLoC như một "công nghệ theo dõi xâm phạm quyền riêng tư" tệ như những gì nó đang cố gắng thay thế. Theo Vivaldi, một ID của FLoC vẫn hiển thị lịch sử duyệt web của người dùng cho các nhà quảng cáo khác, ngay cả khi nó ở dạng tổng hợp và ẩn danh.
Một vấn đề khác là dù FloC gộp người dùng vào nhóm hàng nghìn người, những nhóm này vẫn có thể bị lợi dụng làm điểm truy cập để lấy "dấu tay kỹ thuật số" nếu phía quảng cáo tìm cách xác định danh tính cá nhân từ những yếu tố khác. Đây là điều Google hứa hẹn sẽ giải quyết, nhưng lại không nhanh bằng việc họ triển khai FLoC.
Microsoft, Apple và Mozilla vẫn còn phân vân về FLoC. Có thể các trình duyệt của họ cuối cùng cũng áp dụng công nghệ này. Tuy nhiên, FLoC khi đó sẽ cần phải thắt chặt hơn vấn đề bảo mật, quyền riêng tư, cũng như minh bạch hơn đối với người dùng, trước khi các trình duyệt lớn khác ngoài Chrome chấp nhận nó.
Ngoài ra, hiện chưa rõ liệu FLoC có đáp ứng Quy định Chung về Bảo vệ Dữ liệu (GDPR) của châu Âu hay không, vì Google không thử nghiệm FLoC ở khu vực này. Nhưng phiên bản 89 của Chrome đã có bản chạy thử nghiệm cho FLoC và nhiều người dùng tại các khu vực khác có thể đã tham gia mà không biết.
Với việc cookie của bên thứ ba hiện bị chặn theo mặc định bởi cả người dùng và nhiều trình duyệt, bất kỳ ai kiếm tiền từ quảng cáo nhắm mục tiêu - như Google, Facebook — đều mong muốn có một công cụ thay thế.
Việc này có thực sự cần thiết hay không tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người. Nhưng nếu câu trả lời của người dùng chắc chắn là "không", họ nên cân nhắc tránh sử dụng Chrome trong tương lai gần.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận