TikTok tiến hành "ẩn mình" để lẩn tránh các lệnh trừng phạt từ Mỹ
Trước những sức ép của chính quyền Tổng thống Trump, ứng dụng chia sẻ video TikTok cho biết đang thực hiện các cuộc đàm phán về quyền sở hữu chi nhánh hoạt động tại Mỹ với các đối tác để lẩn tránh các lệnh trực phạt trong tương lai.
- 'Nỗi oan Thị Mầu' TikTok trong mắt Mỹ
- Dưới áp lực của Mỹ, TikTok có nguy cơ thành Huawei tiếp theo?
- Cấm Tik Tok ở Mỹ - Tại sao không?
Báo The New York Times dẫn các nguồn thạo tin cho biết quyết định trên của TikTok được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Trump đang cân nhắc ban hành các biện pháp mạnh tay, theo đó buộc TikTok phải tách khỏi công ty mẹ - tập đoàn ByteDance.
Tờ báo này dẫn nguồn tin giấu tế cho biết, Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (Cfius) đang xem xét thương vụ năm 2017 của ByteDance, khi tập đoàn này mua Music.ly và sau đó chuyển đổi công ty này thành TikTok, qua đó tạo ra một phương tiện truyền thông xã hội ở Mỹ - ứng dụng Trung Quốc đầu tiên thực hiện các giao dịch như vậy.
Những cuộc đàm phán gần đây đang được xúc tiến mạnh mẽ bởi TikTok để đảm bảo các hoạt động tại thị trường Mỹ.
Khi TikTok trở nên phổ biến hơn, các quan chức Mỹ đã lo ngại về khả năng Chính phủ Trung Quốc sử dụng ứng dụng này để lấy dữ liệu của công dân Mỹ, qua đó có thể gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Washington.
Cfius đã quyết định yêu cầu ByteDance thoái vốn chi nhánh TikTok tại Mỹ và Chính phủ Mỹ đang tham gia các cuộc đàm phán về các điều khoản trong kế hoạch chia tách ByteDance và TikTok.
Trả lời phóng viên báo chí trên chuyên cơ Air Force One, Tổng thống Trump nhấn mạnh ông có thể sử dụng các quyền lực kinh tế khẩn cấp hoặc một sắc lệnh hành pháp để chính thức cấm TikTok hoạt động tại Mỹ.
Ông cho biết: "Với những điều chúng ta đang lo ngại về TikTok, chúng ta sẽ cấm họ hoạt động tại Mỹ". Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng tỏ rõ thái độ không ủng hộ việc cho phép một công ty Mỹ mua lại TikTok.
Trước đó trong ngày 30/7, hai nhà lập pháp Mỹ đã viết thư gửi Bộ Tư Pháp Mỹ hối thúc tiến hành điều tra công ty truyền thông xã hội TikTok, cùng một công ty công nghệ khác của Trung Quốc là Zoom.
Cụ thể, hai Thượng nghị sĩ là Richard Blumenthal của đảng Dân chủ và Josh Hawley của đảng Cộng hòa đã yêu cầu Bộ Tư pháp điều tra để xác định liệu quan hệ kinh doanh của Zoom và TikTok, cũng như cơ chế xử lý dữ liệu và các mối liên hệ hoạt động của hai công ty này với Trung Quốc có tạo nguy cơ đối với người dân Mỹ hay không.
Bức thư có đoạn "dựa trên nhiều báo cáo, chúng tôi đặc biệt quan ngại rằng Zoom và TikTok đã tiết lộ thông tin cá nhân của Mỹ và tham gia kiểm duyệt".
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin ngày 29/7 cũng thông báo ứng dụng chia sẻ video TikTok đang nằm trong diện cần cân nhắc tới vấn đề an ninh quốc gia nước này.
Theo Bộ trưởng Mnuchin, với chức năng chuyên phân tích nguy cơ an ninh tiềm tàng từ các thỏa thuận mà Washington đạt được với các đối tác nước ngoài, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) dưới sự lãnh đạo của Bộ Tài chính đang đánh giá về ứng dụng TikTok. CFIUS có đủ thẩm quyền buộc các công ty hủy bỏ các thỏa thuận hoặc đề ra các biện pháp nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.
Đại diện TikTok không đưa bình luận về những thông tin trên, song khẳng định nền tảng này đang làm việc để "phát triển một hạ tầng an ninh tốt nhất".
Ứng dụng TikTok hiện có khoảng 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Ứng dụng này đặc biệt phổ biến với người dùng smartphone trẻ tuổi. Nền tảng này cho phép người dùng tạo các video ngắn từ 15 giây đến 1 phút.
Kể từ khi ra mắt năm 2016, ứng dụng đã được tải xuống hơn 2 tỷ lần, trở thành nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất thế giới.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận