Ứng dụng ngân hàng số - Tiện ích và rủi ro song hành với người dùng
Ứng dụng ngân hàng điện tử ngày nay được xem là xu thế quan trọng trong thời đại công nghệ 4.0 với những tiện ích lớn trong phục vụ dịch vụ fintech với người dùng nhưng kèm theo đó là những rủi ro lớn khi đây vẫn chưa được các chính sách quản lý chi tiết trong nghiệp vụ quản lý hoạt động của ứng dụng.
- MBBank đồng hành cùng cộng đồng trong công tác thiện nguyện minh bạch
- MB Bank gặp lỗi nghiêm trọng người dùng không thể sử dụng ứng dụng
- Truyền hình OTT và những rủi ro của sự phát triển công nghệ đối với người dùng tại Viêt Nam
Fintech đã phát triển thành làn sóng ở nhiều nước trên thế giới, làm thay đổi căn bản ngành ngân hàng. Việc ứng dụng Fintech ngày càng phổ biến là một xu hướng tích cực, mang lại không chỉ cơ hội, mà còn rủi ro cho ngành ngân hàng.
Thứ nhất, các giải pháp Fintech được nghiên cứu và phát triển trên cơ sở sáng tạo và đổi mới, do đó đa phần chúng đi trước và vượt ra ngoài các khuôn khổ quản lý và pháp lý của các quốc gia. Ngoại trừ hoạt động trung gian thanh toán, cơ bản các hoạt động khác của Fintech chưa được quy định và điều chỉnh bởi các văn bản pháp lý hiện hành.
Bên cạnh đó, các quy định pháp lý hiện hành liên quan tới hoạt động nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng chưa cho phép việc áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán.
Những tiện ích của ứng dụng ngân hàng số là rất lớn nhưng phiền toái là không ít như với lỗi hệ thống của MBBank mới xảy ra gần đây.
Với những rào cản về mặt pháp lý này, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tổng thể cho lĩnh vực Fintech đang là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng 4.0.
Thứ hai, hoạt động của các tổ chức tài chính nói chung dựa trên uy tín và niềm tin của khách hàng đối với dịch vụ do mình cung ứng. Do đa phần các giải pháp Fintech đều mới nên khó tránh khỏi những rủi ro trong quá trình triển khai có thể gây nên những thiệt hại cho bản thân tổ chức và khách hàng, từ đó ảnh hưởng tới danh tiếng của các tổ chức tín dụng truyền thống.
Các công ty Fintech đa phần đều là các công ty mới được thành lập, ở quy mô nhỏ và hoạt động dựa vào việc đánh đổi giữa thành công với rủi ro. Nhưng các tổ chức tín dụng truyền thống thì khác, họ có danh tiếng được gây dựng và phát triển suốt trong thời gian dài dựa trên sự tin tưởng của khách hàng, công chúng cũng như các quy định nghiêm ngặt của pháp luật.
Bởi vậy, rủi ro về danh tiếng của các tổ chức tín dụng truyền thống có thể bị ảnh hưởng nếu không thể kiểm soát và xử lý được rủi ro trong quá trình triển khai áp dụng các giải pháp Fintech, thậm chí có thể dẫn tới sự sụp đổ của tổ chức.
Thứ ba, tổ chức tín dụng truyền thống cũng sẽ phải đối mặt với những rủi ro liên quan tới an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và rủi ro tấn công mạng.
Fintech có thể bị tấn công bởi chính công nghệ. Các sản phẩm Fintech được tạo ra trên nền tảng công nghệ nên việc gặp phải các nguy cơ tấn công từ công nghệ là điều không tránh khỏi. Những rủi ro này liên quan tới việc hệ thống bị tội phạm tấn công ăn cắp dữ liệu khách hàng, giao dịch gian lận, giả mạo…
Khi thực hiện đầu tư các giải pháp Fintech hoặc kết nối hệ thống với các đối tác thứ ba qua Internet rất dễ trở thành nơi bị “hacker” tấn công, gây rủi ro và thiệt hại cho cả bản thân tổ chức tín dụng lẫn khách hàng.
Các tổ chức tín dụng truyền thống vốn hoạt động chủ yếu dựa trên phương pháp xử lý thủ công, thiếu kinh nghiệm trong việc thực thi các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và giao dịch khách hàng đồng thời không có đội ngũ nhân sự có đủ trình độ về công nghệ và kinh nghiệm quản lý rủi ro môi trường Internet để có thể ứng phó với các dạng rủi ro như vậy.
Thứ tư, các tổ chức tài chính có thể cũng sẽ phải đối mặt với những rủi ro vận hành và rủi ro thông tin trong quá trình hoạt động. Fintech hoạt động dựa trên hệ thống công nghệ và máy tính do đó rủi ro vận hành vẫn có thể xảy ra khi xuất hiện những sai sót về mặt kỹ thuật của hệ thống xử lý hay những sai sót trong quá trình vận hành của nhân viên…
Ngoài ra, việc kết nối hệ thống kỹ thuật và lệ thuộc vào bên thứ ba trong quá trình xử lý giao dịch có thể dẫn tới những rủi ro khi thông tin, dữ liệu của tổ chức tín dụng bị bên thứ ba hoặc nhân viên của họ tiến hành đánh cắp để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp. Các sản phẩm Fintech thường dựa vào một hoặc một vài nhà cung cấp công nghệ do vậy khi có sự cố có thể dẫn đến rủi ro hệ thống.
Những rủi ro là hiện hữu khi tiến hành đầu tư hoặc phối hợp với các công ty Fintech để triển khai các giải pháp Fintech trong quá trình hoạt động, cung ứng dịch vụ của các tổ chức tín dụng, đòi hỏi các tổ chức này phải xây dựng kế hoạch và khuôn khổ quản lý rủi ro phù hợp nhằm ngăn chặn kịp thời các rủi ro nếu có, giảm thiểu thiệt hại của mình cũng như của khách hàng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận