Đại học Quốc gia Hà Nội công bố phương án tuyển sinh 2020
Sau khi phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 được Thủ tướng phê duyệt, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã công bố kế hoạch tuyển sinh với các hình thức xét tuyển và tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực thí sinh qua các bài thi bắt buộc.
- Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học 2020 thay đổi những gì?
- Tuyển sinh đại học 2019: Điểm chuẩn trúng tuyển các ngành CNTT có thể tăng 1-2 điểm
- Đồng Nai tổ chức tư vấn tuyển sinh online để phòng sự lây lan của COVID-19
Chiều 22/4, sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do Bộ GD&ĐT đề xuất, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chính thức công bố phương án tuyển sinh 2020 để các thí sinh chủ động trong việc học và ôn tập.
Cụ thể, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tuyển sinh theo ba hình thức, gồm: Xét tuyển thẳng các đối tượng đáp ứng tiêu chí quy định của Bộ GD&ĐT cũng như Đại học Quốc gia Hà Nội; xét tuyển dựa trên kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; xét tuyển hồ sơ thí sinh.
Đại học Quốc gia Hà Nội kiểm tra các năng lực cơ bản của thí sinh gồm hai bài thi bắt buộc:Toán (90 phút) - Bài viết luận (60 phút) và Bài tự chọn: Ngoại ngữ (60 phút), Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội (60 phút).
Thời gian dự kiến tổ chức thi vào khoảng cuối tháng 7/2020, trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoại trừ bài luận thi viết, các bài thi khác thi theo hình thức trắc nghiệm trên giấy.
Các đơn vị đào tạo sử dụng kết quả 3 hoặc 4 bài thi để xét tuyển vào các ngành đào tạo. Tổ hợp xét tuyển vào từng ngành đào tạo được công bố trước 10/5/2020. Thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến vào Đại học Quốc gia Hà Nội từ ngày 1/6.
Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ tổ chức thi trên địa bàn Hà Nội và phối hợp với các trường đại học trong công tác ra đề thi, chấm thi và xét tuyển đại học chính quy.
Theo kế hoạch tuyển sinh, năm 2020, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh 10.320 chỉ tiêu với 131 ngành/chương trình đào tạo, trong đó có 14 ngành đào tạo mới thích nghi với thị trường lao động mới. Nhiều ngành học mới được thiết kế phục vụ đào tạo nguồn nhân lực liên quan trực tiếp đến cuộc cách mạng chuyển đổi số và các vấn đề mới như: Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật điện tử và tin học; Khoa học và Công nghệ thực phẩm; Công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường; Marketing, Nhật Bản học, Điều dưỡng, Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học…
Các thí sinh có thể theo dõi và tìm hiểu các ngành đào tạo tại các trường Đại học, Khoa trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội để có sự lựa chọn ngành thích hợp theo khả năng và đam mê của bản thân, từ đó có định hướng tương lai tốt hơn.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận