Thông tin về vụ học sinh Trường trung học cơ sở Sen Phương bị đánh vẫn còn lưu lại trên mạng, nhưng clip đã được gỡ bỏ. Ảnh chụp màn hình
Theo Phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ, sự việc được xác nhận xảy ra vào trưa 6/3, ở bên ngoài nhà trường. Ngay chiều hôm đó, ban giám hiệu nhà trường làm việc với giáo viên chủ nhiệm và học sinh. Có 5 học sinh liên quan tới vụ đánh nhau đã viết tường trình, bản kiểm điểm, bản cam kết với nhà trường.
Ngày 7/3, Trường trung học cơ sở Sen Phương tiếp tục làm việc với các giáo viên chủ nhiệm có học sinh liên quan, 5 phụ huynh học sinh và các học sinh liên quan để tìm ra nguyên nhân vụ việc.
Nguyên nhân dẫn tới vụ đánh nhau, theo tường trình của các học sinh là có liên quan tới tin nhắn qua lại trên Facebook. Cụ thể học sinh P. (lớp 8B - người bị đánh) nhắn tin trên Facebook cho học sinh H. lớp 8E, nói là các học sinh T., T. (lớp 9B), Tr. (lớp 9C) và Tr. (lớp 8C) đã đánh và chặn đầu xe của P..
Học sinh Tr. (lớp 8C) đã vào nick của P. để chụp toàn bộ tin nhắn và ghi âm của P. gửi cho H.. Sự việc khiến các học sinh mâu thuẫn, xảy ra đánh nhau.
Theo clip được tung lên mạng thì chỉ có học sinh P. bị đánh. Trong lúc một học sinh đánh, các học sinh khác đứng bên cổ vũ, có cử chỉ, thái độ gay gắt, tức giận chĩa về phía học sinh bị đánh. P. bị giật tóc, tát, đá vào người. Khi P. ngã, hai trong số các học sinh tham gia đã kéo P. dậy để một học sinh đánh tiếp.
Theo ông Hoàng Mạnh Cường - quyền trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ, nhà trường đã họp với các phụ huynh, học sinh và yêu cầu các học sinh đánh bạn phải xin lỗi công khai. Phụ huynh của các học sinh đánh bạn đã xin lỗi phụ huynh của em P.. Các phụ huynh và học sinh cùng cam kết không để xảy ra sự việc tương tự.
"Phòng đã chỉ đạo nhà trường rút kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp. Giáo viên chủ nhiệm cần gần gũi học sinh, nắm bắt thông tin của lớp, của từng học sinh để làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho học sinh", ông Cường cho biết.
Vụ nữ sinh đánh nhau ngay trong tuần đầu Hà Nội cho học sinh đi học trở lại là dấu hiệu đáng lo ngại khi tình trạng bạo lực học đường vẫn chưa có giải pháp kiểm soát triệt để.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận