Trần Viết Lân (trái) giới thiệu robot ngầm hỗ trợ nghiên cứu địa chất thủy văn. Ảnh: Duy Thanh
Có thể lặn sâu 50m
Robot là thiết bị nặng khoảng 20kg, có thể lặn sâu khoảng 50m. Lân cho biết robot có thể hỗ trợ thu thập dữ liệu hình ảnh và dựng bản đồ 3D địa hình đáy biển, mẫu vật; giám sát thông số môi trường qua hệ thống cảm biến; có cánh tay robot sáu bậc tự do để thu thập những mẫu vật khi cần thiết và tích hợp bộ phận lấy mẫu chất lỏng phục vụ nghiên cứu.
"Thiết bị có thể vận hành tự động theo lộ trình cài sẵn và quay về vị trí xuất phát. Robot có thể được giám sát, vận hành từ xa thông qua ứng dụng điện thoại và máy tính" - Lân cho hay.
Điều thôi thúc Lân "quên ăn, quên ngủ" để biến ý tưởng thành hiện thực vì nhận thấy Việt Nam là quốc gia biển nhưng việc nghiên cứu mẫu vật dưới đáy biển còn nhiều khó khăn. Đó là chưa kể nhiều khi tiềm ẩn rủi ro cao khi con người trực tiếp nghiên cứu dưới độ sâu nước biển vượt quá giới hạn an toàn. Do vậy, cần sáng chế những thiết bị thay thế con người trực tiếp thám sát, lấy mẫu vật rắn hay lỏng dưới lòng biển để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học biển.
Lân cho biết vì thiết bị quá mới nên phải tham khảo nguồn tài liệu từ tiếng Anh (khoảng 80% lượng tài liệu cần thiết cho việc chế tạo), nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng mạng lập trình quốc tế, đặt mua động cơ và hệ thống vi mạch cùng nhiều bộ phận từ nước ngoài để phục vụ việc lập trình, chế tạo, lắp ráp hoàn chỉnh robot.
Sẽ nghiên cứu cải tiến thêm
"Tôi cũng gặp không ít khó khăn, thất bại trong quá trình nghiên cứu, chế tạo robot này vì chỉ làm một mình. Mọi vấn đề đều tự mình giải quyết, nhưng càng bí bách tôi càng không có ý định bỏ cuộc. Cuối cùng robot cũng ra đời, thực hiện được các nhiệm vụ mà tôi đặt ra cho nó, mở ra một tương lai rất thực tiễn cho robot lặn dưới tầng sâu đáy biển hỗ trợ việc nghiên cứu khoa học này" - Lân nói.
Sau khi được trao giải nhất cuộc thi cấp tỉnh, sắp tới Lân tập trung phát triển thêm các điểm về thiết kế nhằm tối ưu hóa trọng lượng cũng như cải thiện hiệu quả hoạt động của robot để tham dự cuộc thi toàn quốc.
"Tôi chưa hoàn toàn hài lòng với những kết quả đã làm được đối với robot ngầm này, nên sẽ nghiên cứu để thiết bị truyền dẫn hoàn toàn không dây vì hiện giờ dây nhợ còn lòng thòng quá. Bên cạnh đó, tôi sẽ nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để tạo ra các giải pháp nhận diện phân loại vật thể, tạo bộ cơ sở dữ liệu mẫu vật và địa hình phục vụ lưu trữ, phân tích, nghiên cứu phát triển. Cuối cùng là thêm thuật toán để duy trì áp suất cho tàu hoạt động ổn định, tích hợp thêm tính năng cảnh báo người dùng khi gặp sự cố bất thường..." - Lân cho biết thêm.
Đã đoạt nhiều giải thưởng khoa học kỹ thuật
Là con một trong gia đình cha mẹ buôn bán tạp hóa, Lân có niềm đam mê đặc biệt đối với nghiên cứu khoa học.
Năm lớp 8, Lân đoạt giải khuyến khích cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Phú Yên với đề tài "Giải pháp dây phơi đồ thông minh". Dây phơi quần áo có thể tự động kéo vào khi có mưa hoặc trời tối, tự kéo ra khi trời nắng.
Năm lớp 10, Lân đoạt giải nhì cuộc thi cấp tỉnh với đề tài "Thiết bị bay đo khí độc hại giám sát từ xa". Sản phẩm này sau đó đoạt giải khuyến khích cuộc thi toàn quốc.
Lớp 11, Lân cũng được trao giải khuyến khích cuộc thi cấp tỉnh với sản phẩm "Thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng vận động tay cho người mắc bệnh Parkinson".
Ông Dương Bình Luyện (trưởng phòng giáo dục trung học phổ thông Sở GD-ĐT Phú Yên, trưởng ban giám khảo cuộc thi): Sáng chế robot ngầm rất khó Sáng chế robot là một thế mạnh của học sinh THPT Phú Yên tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông. Đã có một số học sinh Phú Yên sáng chế robot và giành giải cao tại cuộc thi toàn quốc. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên học sinh Phú Yên sáng chế được robot ngầm, hoạt động dưới nước, trong các điều kiện khá khắc nghiệt. Tôi muốn nói rằng sáng chế robot đã khó thì làm được robot ngầm càng khó hơn. Sản phẩm của em Trần Viết Lân là một đề tài được đánh giá "độc, lạ" tại cuộc thi cấp tỉnh năm nay. Tất nhiên là sản phẩm chưa tròn trịa, hoàn chỉnh toàn bộ, nhưng đây là một nỗ lực rất tuyệt vời của tác giả vốn chỉ là học sinh THPT. Em Lân đã làm ra sản phẩm này bằng tất cả sự đam mê nghiên cứu khoa học của mình mà không có sự trợ lực của ai. Lân trước đây cũng từng giành giải cao trong cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh tỉnh Phú Yên và được trao giải thưởng cấp toàn quốc. |
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận