Dế là nguồn cung cấp protein bền vững trong tương lai. Ảnh: asia.nikkei.com
Nằm ở một góc của trung tâm nghiên cứu Khok Klang, trang trại nuôi dế của ngôi làng nhỏ chứa đầy các thùng nhựa được xếp ngăn nắp. Trong mỗi thùng là các hộp carton đựng trứng và dế trưởng thành.
Dế sẽ làm tổ trong các hộp carton, thỉnh thoảng chúng sẽ thò đầu ra ngoài để tìm thức ăn và nước uống. Dế là loài côn trùng dễ nuôi, vòng đời phát triển nhanh, chỉ khoảng 2 tháng là có thể thu hoạch.
Ở làng Ban Makha Tai gần đó, ngoài 50 hộ dân ban đầu được chính quyền hỗ trợ chuyển đổi sản xuất sang nghề nuôi dế, giờ đây nhiều nông dân khác trong làng cũng chuyển hẳn sang nghề này.
Theo tờ Bangkok Post, các sản phẩm từ dế đã nhanh chóng trở thành đặc sản của địa phương và ngày càng được ưa chuộng. Nhiều hộ cho biết họ đang muốn mở rộng trang trại nuôi dế của gia đình bởi không chỉ nhu cầu ở địa phương mà cả nhu cầu xuất khẩu đều đã vượt xa nguồn cung.
Thái Lan là nền kinh tế lớn thứ hai trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhưng khoảng cách thu nhập giữa khu vực thành thị và nông thôn vẫn còn rất lớn. Ở vùng đông bắc Thái Lan, nơi nghèo nhất của đất nước, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông.
Năm 2018, tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của khu vực này là 83.856 baht (khoảng 62 triệu đồng), thấp nhất trong 7 khu vực hành chính và chưa bằng 1/5 so với thủ đô Bangkok của nước này.
Nhờ có nghề nuôi dế, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định hơn. Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đang hy vọng sẽ mở rộng sản xuất dế ở vùng này như các tỉnh Khon Kaen, Kalasin, Nakhon Phanom, Buri Ram và Maha Sarakham.
Bên cạnh lợi ích cải thiện thu nhập, dự án nuôi dế được kỳ vọng sẽ tạo công ăn việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, như người già, người tàn tật hay người mất việc làm do đại dịch COVID-19.
Cũng như nhiều loại côn trùng khác, nuôi dế đang trở thành một xu thế chăn nuôi bền vững, tạo nguồn cung protein thay thế trong tương lai. Theo Liên hợp quốc, dân số thế giới dự kiến sẽ đạt 10 tỉ người vào năm 2050. Để có đủ nguồn lương thực đầu vào, sản lượng sẽ phải tăng hơn 50% so với mức năm 2010.
Trong khi đó, các hoạt động chăn nuôi gia súc truyền thống như trâu, bò, lợn đang tạo ra gánh nặng cho môi trường. So với gia súc, nuôi dế đòi hỏi diện tích đất đai ít hơn, nguồn thức ăn và nước cũng ít tốn kém hơn.
Công việc này cũng không cần công nghệ cao và cũng thích hợp để nuôi ở các vùng nông thôn và khô hạn. Nuôi dế cũng thải ra lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, như mêtan và CO2, ít hơn nhiều.
Theo ông Mechai, dế được coi là 'nguồn protein tương lai' bởi khoảng 70% cơ thể của chúng được tạo thành từ chất dinh dưỡng. Ông tin rằng côn trùng, đặc biệt là dế, sẽ trở thành nguồn cung cấp protein bền vững cho con người trong tương lai.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cũng đang khuyến khích người dân chuyển sang tiêu thụ dế vì đây là nguồn cung cấp protein giá rẻ. Nhất là khi dế có thể được sản xuất hoặc chế biến dưới nhiều hình thức tươi sống, đông lạnh, chiên giòn, phù hợp với thị hiếu của đa dạng đối tượng khách hàng.
Việc phát triển nguồn cung protein mới đang trở thành vấn đề cấp bách trên toàn thế giới. Trang trại nuôi dế nhỏ của làng Khok Klang hy vọng sẽ là 'ngọn hải đăng' cho Thái Lan, đất nước đang nỗ lực trở thành 'nhà bếp của thế giới' trong quá trình hướng tới một tương lai bền vững.
Trước đây, cư dân ở tỉnh Buriram cũng đã thử nuôi dế, nhưng việc kinh doanh gặp khó khăn do không tìm được đầu ra. Ông Mechai đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ Global Bugs Asia, một công ty liên doanh giữa Thái Lan và Thụy Điển, chuyên sản xuất sản phẩm protein từ bột dế.
Bên cạnh việc tư vấn về cách nuôi, công ty này cũng đang cung cấp trứng và thức ăn của dế cho trang trại làng Khok Klang. Ông Mechai hy vọng sẽ tạo ra các kênh thương mại cho dế của làng Khok Klang bằng cách đẩy mạnh các tiêu chuẩn vệ sinh mà dự án học hỏi được từ Global Bugs. Còn với Ban Makha Tai, ngôi làng này đã phát triển một nền tảng tiếp thị trực tuyến để giúp việc sản xuất và kinh doanh được mở rộng hơn nữa.
Thái Lan hiện có trên 20.000 trang trại nuôi dế làm thực phẩm trên toàn quốc với sản lượng trên 700 tấn/năm, đạt giá trị hơn 1 tỉ bạt (738 tỉ đồng). Theo các chuyên gia, dế xuất khẩu của Thái Lan đang được ưa chuộng ở các thị trường nước ngoài, nơi nhu cầu đang tăng với mức 23% mỗi năm, đặc biệt là ở Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.
Bà Chutikan Jaeichaew, Chủ tịch Cộng đồng nuôi dế ở tỉnh Sukhothai, cho biết cộng đồng này sản xuất hơn 10 tấn dế mỗi tháng. Mặc dù 90% dành cho xuất khẩu nhưng số lượng này vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
'Nuôi dế đang là một lựa chọn của nông dân Thái Lan với thu nhập hấp dẫn cả năm. Các nhà chức trách đang nỗ lực giúp đỡ người nuôi dế duy trì các trang trại đạt tiêu chuẩn cao. Đó là cách hoàn hảo để giúp Thái Lan đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và kích thích nền kinh tế của đất nước trong đại dịch COVID-19', bà Jaeichaew nói.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận