Ứng dụng thành công trí tuệ nhân tạo (AI) trong giám sát thiết bị tại trạm biến áp
Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của lưới điện Việt Nam, cùng với sự tham gia đấu nối mạnh mẽ của nguồn năng lượng tái tạo vào khu vực lưới điện do Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) quản lý, làm cho các đường dây đấu nối phải thường xuyên vận hành trong tình trạng đầy và quá tải, đi kèm là nguy cơ gây sự cố cao do phát nhiệt gây ra.
Nhiệt độ trong hệ thống điện là một trong những vấn đề quan trọng cần phải giám sát thường xuyên. Nhiệt độ của máy biến áp (MBA) và tại các vị trí tiếp điểm kết nối không tốt sẽ làm cho giá trị điện trở tiếp xúc các mối nối tăng lên, điều này sẽ dẫn đến giá trị nhiệt độ tăng, gây ra nhiều nguy hại đến vận hành hệ thống.
Để ngăn ngừa sự cố cũng như chia sẻ với sự khó khăn của công nhân khi vận hành trong điều kiện đầy, quá tải thường xuyên. PTC3 triển khai thực hiện ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc giám sát nhiệt độ thiết bị nhất thứ và tủ hợp bộ trong trạm biến áp.
Với tình trạng vận hành thường xuyên đầy, quá tải, số lượng tủ hợp bộ nhiều. Hơn nữa là một trong những trạm vận hành đầu tiên của PTC3 (vận hành 01/01/1994), Trạm 220kV Quy Nhơn được PTC3 chọn để ưu tiên triển khai đầu tiên và thành công mang lại một số hiệu quả thiết thực.
Hiện nay nhiệt độ của thiết bị nhất thứ và tủ hợp bộ TBA 220kV Quy Nhơn được giám sát 24/7. Dữ liệu được đưa về lưu trữ trên máy chủ, có thể truy xuất ra dưới dạng file Excel hoặc truy xuất theo dạng biểu đồ tạo cho người sử dụng có cái nhìn tổng quan về tình trạng vận hành của thiết bị.
Xây dựng được app phần mềm cài đặt trên thiết bị thông minh cho cả hệ điều hành Android và IOS, giúp người sử dụng có thể truy cập giám sát thiết bị mọi lúc mọi nơi, kịp thời đưa ra các cảnh báo khi có bất thường.
Việc xác định được sớm các yếu tố bất thường giúp người vận hành có thể đưa ra các quyết định xử lý nhanh và chính xác. Ngăn ngừa tức thời các rủi ro, sự cố xảy ra ảnh hưởng tới việc cung cấp điện liên tục.
Dữ liệu giám sát nhiệt độ còn là một chỉ tiêu đầu vào quan trọng để đánh giá đúng tình trạng vận hành thiết bị, quyết định việc có thực hiện việc sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị theo tình trạng vận hành (CBM).
Theo đánh giá của PTC3, hệ thống giám sát nhiệt độ online bằng camera nhiệt cho TBA là một giải pháp tiên tiến và hiệu quả. Với chi phí đầu tư tối ưu, lắp đặt và vận hành dễ dàng, không làm ảnh hưởng đến các thiết bị đang hoạt động tại TBA, giúp người vận hành chủ động hơn trong công tác quản lý và kiểm tra định kì. Giải quyết được nhiều bất lợi của hệ thống theo dõi nhiệt độ truyền thống khác: Cho phép giám sát và cảnh báo liên tục, mọi lúc, mọi nơi. Theo dõi và lưu trữ dữ liệu liên tục, nhờ đó người vận hành có thể giám sát được sự thay đổi nhiệt độ các điểm nhạy cảm trong TBA.
Cùng với đó định danh được các vị trí tiếp điểm đang theo dõi và có thể xem hình ảnh trực quan. Cảnh báo tức thời khi có tình huống bất thường trong vận hành xảy ra tới người quản lý. Sẵn sàng kết nối với hệ thống SCADA, hoạt động như một IEC 60870-5-104 master/slave để truyền nhận dữ liệu. Ghi, lưu lại dữ liệu liên tục làm cơ sở để đánh giá, phân tích, nghiên cứu phục vụ cho vận hành.
Hệ thống giúp người vận hành kịp thời đưa ra các biện pháp ngăn ngừa sự cố nghiêm trọng xảy ra trong TBA, từ đó nâng cao tuổi thọ hệ thống, cắt giảm được chi phí vận hành và sửa chữa thiết bị.
Bước thử nghiệm thành công này sẽ là tiền đề để PTC3 triển khai nhân rộng cho các TBA không người trực do PTC3 quản lý, trong đó ưu tiên thực hiện trước đối với các trạm thường xuyên vận hành đầy, quá tải (TBA 220kV Tháp Chàm, Ninh Phước).
Đặc biệt, với đề án “thử nghiệm không có người trực thường xuyên tại các TBA không người trực” EVNNPT đang triển khai hiện nay, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác quản lý vận hành TBA thực sự cần thiết để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý vận hành, tối ưu công tác bảo trì, bảo dưỡng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tiết kiệm chi phí.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận