VCCI kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian hưởng ưu đãi điện gió đến hết năm 2023
Đây là một trong những vấn đề nổi bật trong báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Thủ tướng Chính phủ, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra mới đây.
- EOR 2019: Năng lượng điện Việt Nam vẫn phụ thuộc vào than đá và thuỷ điện
- Cuộc chạy đua năng lượng mới - Phát triển mặt trời nhân tạo
- Hướng đi nào cho năng lượng tái tạo tại Việt Nam?
Điện gió Tuy Phong (Bình Thuận)
Theo đó, VCCI cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh việc thẩm định và phê duyệt bổ sung quy hoạch điện gió để kịp triển khai theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg (về cơ chế hỗ trợ phát triển các Dự án điện gió tại Việt Nam).
Xem xét gia hạn thời hạn thực hiện Quyết định 39 đến hết 31/12/2023 vì nhiều dự án đang bị chậm tiến độ do thủ tục về quy hoạch và giải phóng mặt bằng bị kéo dài, các nhà cung cấp tua-bin điện gió từ châu Âu đang tạm dừng sản xuất.
Theo Quyết định số 39/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ, đối với điện gió trong đất liền, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.927 đồng/kWh, tương đương 8,5 Uscent/kWh (chưa bao gồm VAT); với điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh, tương đương 9,8 Uscent/kWh (chưa bao gồm VAT).
Mức giá này được áp dụng cho các dự án điện gió có một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Quyết định 39 đã tạo động lực thúc đẩy thị trường điện gió tại Việt Nam phát triển. Hàng trăm dự án đã được đề xuất bổ sung quy hoạch; nhiều dự án đang được thi công xây dựng. Tuy nhiên, đến nay, mới có 11 dự án được đưa vào vận hành, với tổng công suất 377MW.
Nguyên nhân, ngay sau thời điểm Quyết định 39 có hiệu lực thi hành (1/11/2018), hoạt động đăng ký đầu tư và bổ sung quy hoạch đối với các dự án nguồn điện gió mới và các dự án lưới điện truyền tải giải tỏa công suất bị ngừng trệ trong hơn một năm, do chưa có hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch (hiệu lực từ ngày 1/1/2019). Hiện vẫn còn 45.000MW điện gió (250 dự án) do các tỉnh đề xuất chưa được thẩm định, bổ sung quy hoạch.
Cùng với đó, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến tiến độ cung cấp tua-bin, kéo dài thời gian thi công, lắp đặt và làm chậm tiến độ của các dự án điện gió; hoạt động sản xuất, cung cấp thiết bị chính, linh phụ kiện của các dự án bị thiếu hụt, đình trệ; việc nhập cảnh của công nhân kỹ thuật và chuyên gia nước ngoài bị gián đoạn...
VCCI đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho phép các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng được giảm yêu cầu về vốn tự có khi đi vay vốn (hiện là 30%- 40% giảm xuống 15-20%) để có thể đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là trong điện gió, điện mặt trời để phục vụ an ninh năng lượng., chuyên gia nước ngoài khó khăn trong việc đi lại và nhập cảnh vào Việt Nam.
VCCI cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các biện pháp mạnh hơn để khuyến khích các ngân hàng thương mại thực hiện giảm sâu thêm từ 2-3% đối với khoản vay mới và vay hiện hữu (đến mức còn khoảng 4-5% đối với khoản vay tiền đồng và 2-3% đối với khoản vay USD) cho từng nhóm khách hàng có ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau.
Hình thức là thông qua các biện pháp tái cấp vốn, tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng… để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có nguồn vốn giá rẻ hơn để cho doanh nghiệp vay, mở rộng các biện pháp bảo đảm cho vay phù hợp với điều kiện thực tế của từng loại hình doanh nghiệp.
Đồng thời, có chỉ đạo sâu sát để các ngân hàng thương mại thực sự sát cánh, thông cảm, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vì bản chất mối quan hệ ngân hàng – doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, cùng tồn tạo và phát triển. Cần tăng cường áp dụng các phương thức bảo lãnh tín dụng để bảo đảm cho doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay tốt nhất.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận