Bộ GTVT: Chưa áp dụng mức độ 4 đổi GPLX do nhu cầu thấp mà chi phí lại cao
Bộ GTVT cho rằng, sau thời gian áp dụng thí điểm cho thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ công cấp độ 4 đổi GPLX là ở mức rất thấp trong khi chi phí áp dụng lại ở mức cao nên Bộ này cho rằng chưa cần thiết phải áp dụng dịch vụ này trên phạm vi toàn quốc.
- Yêu cầu lắp camera để tăng cường giám sát đào tạo và sát hạch GPLX
- Lùi thời hạn áp dụng bộ câu hỏi mới trong sát hạch và cấp GPLX
- Cấp đổi GPLX quốc tế trên Cổng dịch vụ công quốc gia có thể chỉ mất 2 giờ
Theo đó, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về triển khai dịch vụ công trực tuyến thực hiện các thủ tục hoàn toàn qua mạng (mức độ 4) đổi GPLX do ngành GTVT cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Văn bản của Bộ GTVT cho biết, ngày 22/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2021.
Bộ GTVT được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế mở rộng triển khai ra toàn quốc đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi GPLX do ngành GTVT cấp.
Việc cấp đổi GPLX khi nâng lên cấp độ 4 cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi toàn quốc theo đánh giá của Bộ GTVT sẽ làm gia tăng mức chi phí lớn.
Thực hiện nhiệm vụ theo văn bản số 4060/2020/VPCP của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện cấp, đổi GPLX mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an kết nối dữ liệu khám sức khoẻ, dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và cung cấp thí điểm dịch vụ công mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia từ ngày 1/7/2020 với phạm vi thí điểm tại thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam.
Đồng thời Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT tuyên truyền về lợi ích và triển khai dịch vụ công trực tuyến trên. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ đăng ký đến hết tháng 4/2021 còn khá thấp với số tài khoản truy cập (thao tác và xem) hơn 2.000 lượt; số hồ sơ cấp, đổi là 10 hồ sơ.
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nguyên nhân số lượng hồ sơ thấp là do việc hoàn trả tiền còn khó khăn. Bên cạnh đó, số lượng bệnh viện tham gia khám và cung cấp dữ liệu khám sức khoẻ trong giai đoạn thí điểm chưa nhiều.
Mặt khác, kinh phí Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin triển khai thí điểm dịch vụ công trên là 162 triệu đồng/tháng và dự toán kinh phí thuê triển khai mở rộng là 542 triệu đồng/tháng.
Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, đồng thời tạo điều kiện cho người dân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến nêu trên, Bộ GTVT đề xuất Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chưa thực hiện triển khai mở rộng ra toàn quốc đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi GPLX do ngành GTVT cấp.
Thay vào đó, Bộ GTVT kiến nghị tiếp tục triển khai thí điểm dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia trong năm 2021 theo hướng mở rộng phạm vi đơn vị, cơ sở y tế tham gia khám và cung cấp dữ liệu khám sức khoẻ. Đồng thời, khắc phục các khó khăn hiện tại, nhằm thực hiện tốt tại Hà Nội và Hà Nam trước khi mở rộng ra phạm vi toàn quốc.
“Bộ Y tế mở rộng phạm vi đơn vị, cơ sở y tế tham gia khám và cung cấp dữ liệu khám sức khoẻ tại thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đổi GPLX”, Bộ GTVT đề xuất.
Hiện nay, dịch vụ công trực tuyến được chia thành 4 cấp độ; trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 hoàn chỉnh nhất. Trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia hiện nay đã tích hợp rất nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Với dịch vụ mức độ 4, người dân chỉ cần ngồi ở nhà có thể điền và gửi mẫu văn bản yêu cầu trực tuyến đến cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, thanh toán lệ phí trực tuyến và nhận kết quả qua bưu điện.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận