Bộ TT&TT thiết lập hành lang pháp lý để nền tảng số kiểm soát tin giả gây hoang mang dư luận
Tin giả, tin sai sự thật trong thời kỳ COVID-19 đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến đời sống của người dân, do đó để có thể tạo cơ sở cho các nền tảng số phản ứng nhanh và tức thì đối với các thông tin này Bộ TT&TT đã ban hành Chỉ thị về thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số an toàn, lành mạnh.
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sẽ có luật xử lý tin giả trên mạng xã hội
- Các ông lớn công nghệ chung tay chống dịch - Loại bỏ tin giả
- CMC Cyber Security: Ở Việt Nam, khả năng xuất hiện email, link tin giả về Corona cài mã độc là rất cao
Theo đó, hiện tượng lộ lọt thông tin, dữ liệu trên các nền tảng số vẫn diễn ra với quy mô ngày càng lớn. Đặc biệt là trên các nền tảng số xuyên biên giới vẫn diễn ra nhiều, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, văn hóa và hoang mang, lo lắng trong xã hội.
Nhằm đẩy mạnh sự góp sức của các nền tảng số trong "cuộc chiến tin giả" thời COVID-19, ngày 18/8, Bộ TT&TT đã ban hành Chỉ thị số 49/CT-BTTTT về thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số an toàn, lành mạnh.
Chỉ thị không chỉ tạo thêm hành lang cho sự phát triển và sử dụng các nền tảng số an toàn, lành mạnh mà còn góp phần tạo lập niềm tin số và bảo đảm an toàn không gian mạng Việt Nam.
"Cuộc chiến" chống tin giả của các nhà quản lý cũng "cam go" tương đương với công tác phòng, chống COVID-19 hiện nay.
Nền tảng số là mô hình hoạt động sử dụng công nghệ số để cung cấp dịch vụ cho phép tổ chức, cá nhân có thể sử dụng ngay; đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu; dễ dàng phổ biến trên diện rộng vì tổ chức, cá nhân không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì; càng có nhiều người sử dụng thì chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn.
Nền tảng số an toàn, lành mạnh là nền tảng số đáp ứng yêu cầu của pháp luật của Việt Nam; các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và các giá trị văn hóa phổ quát.
Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp chủ quản nền tảng số phải phát triển nền tảng số có khả năng tự bảo vệ; có các công cụ xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, chủ quản nền tảng số phải triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin và công khai biện pháp xử lý, bảo vệ thông tin cá nhân; chỉ tiến hành thu thập thông tin cá nhân khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân.
Ngoài ra, các đơn vị này không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân của người sử dụng, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các doanh nghiệp chủ quản nền tảng số cần cung cấp cơ chế cho phép người sử dụng phản ánh, khiếu nại tin giả, thông tin xúc phạm danh dự, xâm phạm đời tư cá nhân và thông tin vi phạm pháp luật khác.
Các doanh nghiệp viễn thông thiết lập hoặc nâng cấp hệ thống giám sát và điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT ); quản lý, phối hợp ngăn chặn sự cố, nguy cơ mất an toàn thông tin mạng; cảnh báo, khuyến cáo xử lý khi phát hiện thiết bị của người sử dụng bị lây nhiễm, phát tán mã độc, gặp sự cố lộ, lọt thông tin, dữ liệu cá nhân…
Với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ nền tảng số, Bộ TT&TT khuyến khích sử dụng các nền tảng số an toàn, lành mạnh, có công khai chính sách, công cụ quản lý và xử lý tin giả, thông tin vi phạm pháp luật khi thiết lập các trang thông tin, tài khoản trên nền tảng số; thận trọng khi cung cấp thông tin, dữ liệu cá nhân của mình và của tổ chức, cá nhân khác trên các nền tảng số; nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn thông tin; bảo mật tài khoản, mật khẩu của cá nhân trên nền tảng số, thực hiện gỡ bỏ tin giả, thông tin vi phạm pháp luật khi được cơ quan chức năng yêu cầu.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận