Phát triển bền vững là xu thế tất yếu của xã hội
Đó là nhận định của PGS, TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và phát triển (APD) tại Hội thảo “Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị” vừa được tổ chức tại Hà Nội.
- EKGIS giới thiệu giải pháp công nghệ tại Hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT
- Hội thảo góp ý dự thảo phát triển công nghiệp ICT, hướng tới CMCN lần thứ tư
- Hội thi UAV - Cơ hội để PTC3 đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý vận hành lưới điện
Hội thảo là một trong những hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 15 năm thành lập Học viện, với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, tổ chức trong và ngoài nước đã thể hiện đúng định hướng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với Học viện Chính sách và Phát triển, trở thành tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách, cầu nối giữa các nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT).
PGS.TS. Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển phát biểu tại hội thảo.
Theo PGS.TS Trần Trọng Nguyên, trong bối cảnh Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang phải trải qua những tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu, sự cạn kiệt dần của nguồn tài nguyên thiên nhiên và gần đây nhất là đại dịch toàn cầu COVID-19 và những thách thức an ninh phi truyền thống. Những thách thức, những sự kiện cực đoan này cũng chính là vấn đề giúp chúng ta nhìn nhận ra tầm quan trọng của việc phát triển hài hoà và cân đối giữa ba trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường.Phát triển bền vững đã và đang trở thành nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người.
Thực hiện cam kết quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 tại Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017. Theo đó, Việt Nam đã xây dựng bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững, dựa trên các mục tiêu được công bố bởi Liên Hợp Quốc với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Toàn cảnh Hội thảo.
“Trong quá trình thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam, còn nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn đặt ra như: Quan điểm về nội hàm và các bộ phận cấu thành phát triển bền vững, mô hình lý thuyết thực hiện phát triển bền vững ở các quốc gia; Trên khía cạnh đánh giá, giám sát thực hiện phát triển bền vững, các mục tiêu phát triển bền vững chưa được định lượng bằng các chỉ số cụ thể, nên việc đánh giá còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, việc đánh giá mức độ phát triển bền vững ở Việt Nam mới chỉ tập trung vào tổng thể quốc gia, chứ chưa xây dựng cho cấp độ tỉnh, thành phố; Việc tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…” – Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển nhấn mạnh.
TS Lê Việt Anh, Vụ trưởng, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KH&ĐT) cho biết, theo góc nhìn của xếp hạng chỉ số SDGs toàn cầu (SDI), Việt Nam đạt được điểm số tốt nhất cho SDG 4 (mục tiêu liên quan đến chất lượng giáo dục) với 97,83 điểm và có khả năng hoàn thành vào năm 2030.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đạt được những kết quả tích cực trong việc thực hiện mục tiêu 1, đặc biệt tỷ lệ nghèo đa chiều giảm mạnh, từ mức 9,2% năm 2016 xuống còn 3,36% năm 2022. Mặc dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng giảm nghèo, nhưng nhìn chung hệ thống an sinh xã hội vẫn được giữ vững và làm trụ đỡ hỗ trợ người dân trong bối cảnh dịch bệnh…Tuy nhiên, vẫn có những mục tiêu Việt Nam đạt tỷ lệ thấp như mục tiêu số 15 về Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, hiện tỷ lệ hoàn thành mới đạt 46,49%.
TS Lê Việt Anh tham luận tại Hội thảo.
Từ thực trạng trên, TS Lê Việt Anh cho rằng: Nhiều mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam khó có khả năng đạt được vào năm 2030, trong bối cảnh thế giới diễn biến khó lường, xung đột chính trị diễn ra gay gắt. Cùng với đó, dịch Covid-19 để lại những hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường còn lớn, phát triển kinh tế - xã hội trong nước còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.
Bên cạnh đó, quá trình xây dựng và thực thi khung khổ chính sách phát triển bền vững còn gặp nhiều vướng mắc, hiệu lực thực thi chính sách chưa cao, sự tham gia của một số bên liên quan còn hạn chế. Nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững chưa tướng xứng với nhu cầu đặt ra.
GS.TS. Ngô Thắng Lợi, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, việc xác định đúng nội hàm, tiêu chí đánh giá và mô hình thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam là vô cùng quan trọng. Xác định đúng các khía cạnh trên, không chỉ là cơ sở để chúng ta tiến hành đánh giá một cách chính xác, đầy đủ thực trạng phát triển nền kinh tế đất nước trong thời gian qua đảm bảo tính bền vững như thế nào, mà còn có ý nghĩa trong hoạch định chiến lược phát triển bền vững của đất nước gắn với việc thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đáp ứng được những yêu cầu trong Khát vọng Việt Nam đến 2035 - Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, thịnh vượng.
Theo tạp chí Điện tử & Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận