Chỉ còn 3 trường hợp viên chức có 'biên chế suốt đời' từ 1/7
Theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 (có hiệu lực từ 1/7) sẽ chỉ còn 3 trường hợp viên chức hưởng chế độ biên chế suốt đời.
Trước đây, theo quy định của Luật viên chức 2010 thì sau khi viên chức đã thực hiện xong hợp đồng xác định thời hạn và tiếp tục ký hợp đồng sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn (thường gọi là 'biên chế suốt đời').
Nhưng theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, từ 1/7/2020, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn chỉ còn được áp dụng với 03 trường hợp sau:
- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;
- Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức;
- Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Từ 1/7 sẽ chỉ còn 3 trường hợp viên chức có biên chế suốt đời.
Việc xóa bỏ chế độ viên chức suốt đời được cho là phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhằm tránh tình trạng giữ ghế, cản trở tinh giản biên chế và giúp lọc ra những người không đủ năng lực trong các cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 cũng có một vài điểm mới mà cán bộ, công chức, viên chức cần biết như:
- Kéo dài thời hạn tối đa của hợp đồng làm việc xác định thời hạn với viên chức lên 60 tháng. Theo quy định tại Luật viên chức 2010 thì Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
Nhưng từ 1/7/2020, hợp đồng làm việc xác định thời hạn có là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
- Sẽ không còn công chức là lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập nói chung. Theo Luật Cán bộ, công chức 2008, người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập được xem là công chức.
Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi.
Tuy nhiên, theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 (có hiệu lực từ 01/7/2020) thì khái niệm công chức không còn đối tượng công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
- Lương cơ sở vẫn giữ mức 1.490.000 đồng/tháng. Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa bế mạc, Quốc hội đã quyết định chưa tăng lương cơ sở từ 1/7/2020.
Đồng thời, giao Chính phủ, căn cứ tình hình thực tế để chủ động báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở.
Như vậy, từ 01/7/2020, lương cơ sở giữ mức 1.490.000 đồng/tháng theo quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019; với việc mức lương cơ sở giữ nguyên thì các khoản khác tính theo lương cơ sở cũng sẽ giữ nguyên.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận