Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Mỹ tiên phong chi trả 1 tỉ USD cho vắc-xin trong tương lai
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, sau khi các vắc-xin đã đạt được những kết quả khả quan và để tăng tốc đưa biện pháp phòng chống dịch hiệu quả này vào cuộc sống, Mỹ đã tiên phong chi trả 1 tỉ USD để có được 100 triệu liều được cung cấp từ Johnson&Johnson.
- Các quốc gia lớn đua nhau sản xuất vaccine chống virus Corona
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Singapore bắt buộc đeo thiết bị giám sát điện tử vơi du khách
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Philippines xiết chặt các biện pháp phòng dịch để kiểm soát Manila
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, Chính phủ Mỹ sẽ chi 1 tỷ USD để có được 100 triệu liều vaccine phòng ngừa dịch COVID-19 của hãng dược phẩm Johnson & Johnson nếu hãng này điều chế thành công.
Tập đoàn Johnson & Johnson cho biết sẽ giao vaccine cho Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển y sinh tiên tiến (BARDA) trên cơ sở phi lợi nhuận để đưa vào sử dụng sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Mỹ (FDA) thông qua. Hiện loại vaccine mà Johnson & Johnson phát triển đang được thử nghiệm trên các tình nguyện viên ở Mỹ và Bỉ trong giai đoạn nghiên cứu ban đầu.
Dù các loại vắc-xin này vẫn trong giai đoạn thử nghiệm nhưng đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nước.
Theo đó, Công ty dược phẩm Pfizer Inc và Công ty công nghệ sinh học BioNTech SE của Đức ngày 5/8 đã ký thỏa thuận cung cấp cho Canada một loại vaccine thử nghiệm BNT162 mRNA.
Việc cung cấp ứng cử viên vaccine này dự kiến sẽ diễn ra trong cả năm 2021, tùy thuộc vào thành công lâm sàng và sự chấp thuận của Bộ Y tế Canada. Tuy nhiên, hai công ty trên không công bố chi tiết về giá trị hợp đồng này.
Hãng điều chế vaccine Valneva của Pháp ngày 5/8 cho biết Anh cam kết đầu tư một khoản tiền ban đầu trị giá 10 triệu bảng (13 triệu USD) để tăng cường khả năng phát triển vaccine, và dự kiến sẽ hoàn tất một gói đầu tư đầy đủ trong vài tuần tới.
Giám đốc Tài chính Valneva David Lawrence cho biết hãng này sẽ cung cấp 60 triệu liều vaccine sau khi bào chế thành công cho Anh trong nửa cuối năm 2021.
Khoản tiền trên của Anh sẽ đầu tư vào nhà máy của Valneva ở Livingston, Scotland, những nơi mà hãng đã điều chế vaccine phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản. Khoản tiền đầu tư ban đầu của Anh sẽ được cung cấp trong năm nay.
Trước đó, trong tháng 7 vừa qua, Anh cho biết đã nhất trí về nguyên tắc mua 60 triệu liều vaccine thử nghiệm của Valneva và sẽ mua thêm 40 triệu liều nữa nếu vaccine này an toàn, hiệu quả và phù hợp. Valneva cho biết sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng loại vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 vào cuối năm nay. Hiện chưa có vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19, nhưng có 19 "ứng viên" vaccine đang được thử nghiệm ở người trên toàn thế giới.
Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 5/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 18,75 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 705.000 ca tử vong.
Tổng số bệnh nhân COVID-19 phục hồi là hơn 11,96 triệu ca trong khi vẫn còn hơn 6 triệu bệnh nhân vẫn đang được điều trị, với hơn 65.400 ca bệnh nặng hoặc nguy kịch.
Dịch bệnh vẫn diến biến phức tạp tại nhiều quốc gia châu Á. Tại Ấn Độ, Bộ Y tế nước này thông báo số ca mắc COVID-19 trên cả nước đã vượt 1,9 triệu người. Ấn Độ đã ghi nhận thêm 52.509 ca nhiễm mới và 857 ca tử vong trong một ngày qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.908.254 ca và 39.795 ca.
Trong những tuần qua, Ấn Độ đã đẩy mạnh công tác xét nghiệm. Tính tới ngày 4/8, Ấn Độ tiến hành tổng cộng 21.484.402 xét nghiệm. Riêng trong ngày 4/8, Ấn Độ đã xét nghiệm cho 619.652 người.
Dịch bệnh đang có dấu hiệu trầm trọng hơn tại bang Victoria, bang đông dân thứ 2 của Australia. Ngày 5/8, giới chức bang này thông báo số ca tử vong do COVID-19 trong ngày cao nhất từ trước tới nay, 15 ca.
Hiện dịch đang lây lan mạnh tại các nhà dưỡng lão với số trường hợp nhiễm bệnh lên gần 1.500 người. Bang Victoria đã áp dụng lệnh giới nghiêm vào ban đêm, hạn chế hoạt động đi lại của người dân và yêu cầu chấm dứt hoạt động kinh doanh từ đêm 5/8.
Đóng góp 1/4 kinh tế của đất nước, bang Victoria hiện lại là địa phương tập trung 2/3 tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước. Do vậy, việc bang này tăng cường các biện pháp hạn chế sẽ tác động mạnh đến kinh tế cả nước Australia.
Đến nay, Australia ghi nhận 19.000 ca mắc và 247 ca tử vong do COVID-19. Trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch COVID-19, nhiều bang đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch.
Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 27 ca nhiễm mới trong ngày 4/8, trong đó có 22 ca lây nhiễm trong cộng đồng, tập trung tại Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.
Giới chức nước này tuyên bố đã khống chế thành công các ổ dịch ở Urumqi - thủ phủ của khu tự trị trên và ở tỉnh Liêu Ninh ở miền Đông Bắc. Như vậy, tính đến hết ngày 4/8, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 84.491 ca mắc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế nhập cảnh nước này đối với các sinh viên và người lao động Hàn Quốc. Đây là động thái nới lỏng đầu tiên các hạn chế đối với người nước ngoài, vốn được Trung Quốc áp đặt từ tháng 3 vừa qua nhằm khống chế sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Hàn Quốc có thêm 33 ca nhiễm mới, trong đó có 18 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 14.456 ca. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc trên 30 ca. Nước này cũng ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 302 ca. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc là 2,09%.
Tại Nhật Bản, chính quyền thành phố Tokyo ngày 5/8 thông báo có thêm 263 ca nhiễm mới, giảm so với 309 ca ghi nhận ngày 4/8, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở thành phố này lên 14.285 ca. Số ca nhiễm mới bình quân ở thành phố này là 344,4 ca/ngày trong 7 ngày qua.
Trước tình hình trên, chính quyền Tokyo đã nâng cảnh báo về dịch bệnh lên mức cao nhất, cảnh báo khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời yêu cầu các cửa hàng karaoke, quán bar và cơ sở phục vụ đồ uống có cồn khác phải đóng cửa trước 22h.
Hiệp hội y khoa Nhật Bản khuyến cáo người dân nước này không nên đi du lịch trong nước và các chính quyền địa phương nên hành động độc lập để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.
Các bác sĩ ở Nhật Bản đưa ra khuyến cáo trên trong bối cảnh trong số ca mắc COVID-19 ở nước này gia tăng mạnh trong những tuần gần đây, không chỉ ở thủ đô Tokyo mà còn ở các thành phố khác trên cả nước.
Thống đốc tỉnh miền Trung Aichi, Hideaki Omura cho biết chính quyền tỉnh sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại tỉnh này, có hiệu lực từ ngày 5/8 đến hết ngày 24/8, đồng thời kêu gọi người dân không nên thực hiện các chuyến đi không cần thiết hoặc sang địa phận các tỉnh khác.
Tại Đông Nam Á, trong một ngày qua, Philippines ghi nhận thêm 3.462 ca mắc và 9 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại quốc gia này lên lần lượt là 115.980 ca và 2.123 ca.
Philippines hiện đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á về số ca mắc, chỉ sau Indonesia. Trong khi đó, Indonesia cũng ghi nhận thêm 1.815 ca mắc và 64 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt 116.871 và 5.452.
Trong khi đó, Campuchia ghi nhận thêm 2 ca nhiễm mới trong bối cảnh giới chức nước này đang nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19, kiềm chế số ca nhiễm mới ở mức thấp. Tới nay, Campuchia ghi nhận 243 ca mắc trong đó 202 người đã khỏi bệnh.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận