Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Ấn Độ buộc phải mở cửa trở lại để khôi phục kinh tế
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, dù dịch bệnh vẫn còn chưa thể kiểm soát nhưng những tác động của nó lên nền kinh tế đã rất nặng nề khiến giới chức Ấn Độ phải tiếp tục bước tiếp theo để mở cửa lại thị trường để khôi phục những hậu quả của dịch bệnh gây ra.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Indonexia sẽ tiêm vaccine miễn phí cho người dân từ năm 2021
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Thái Lan hoãn thử nghiệm vaccine trên người do thiếu sản phẩm
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Philippines xiết chặt các biện pháp phòng dịch để kiểm soát Manila
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, Chính phủ Ấn Độ ngày 29/8 đã công bố tài liệu hướng dẫn mới về nới lỏng các hạn chế giai đoạn 4, trong đó có việc nối lại có kiểm soát dịch vụ tàu điện ngầm từ ngày 7/9. Đây là một phần trong nỗ lực của New Delhi nhằm khôi phục lại hoạt động của nền kinh tế.
Các hoạt động thể thao, giải trí, tôn giáo, chính trị, cùng các hoạt động tụ tập đông người khác, sẽ được phép diễn ra với tối đa 100 người, có hiệu lực từ ngày 21/9. Tuy nhiên, biện pháp phong tỏa tại các khu vực điểm nóng COVID-19 sẽ tiếp tục được thực thi nghiêm ngặt cho đến ngày 30/9.
Bên cạnh đó, trường học, các cơ sở giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục đóng cửa đến ngày 30/9. Việc học trực tuyến/từ xa sẽ tiếp tục được khuyến khích. Học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 có thể được phép đến trường ở bên ngoài các khu vực điểm nóng dịch bệnh, trên cơ sở tự nguyện và phải có xác nhận đồng ý bằng văn bản của phụ huynh.
Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Ấn Độ buộc phải mở cửa trở lại để khôi phục kinh tế.
Cũng theo hướng dẫn, rạp chiếu phim, hồ bơi, công viên giải trí, rạp hát (không bao gồm rạp ngoài trời) và những nơi tương tự sẽ tiếp tục đóng cửa. Các chuyến bay quốc tế cũng chưa được phép nối lại.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ, ông Harsh Vardhan khẳng định Ấn Độ là một trong những nước có tỷ lệ tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thấp nhất trên thế giới.
Phát biểu trong cuộc họp lần thứ 20 của Nhóm bộ trưởng cấp cao (GoM) về COVID-19 ở Delhi, Bộ trưởng Vardhan nêu rõ: “Trong tháng này, chúng ta đã đạt được những bước tiến lớn trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Đến nay đã có tới 2,64 triệu người đã được chữa khỏi. Tỷ lệ tử vong của Ấn Độ đang ở mức thấp nhất là 1,81% và tỷ lệ phục hồi đã liên tục tăng lên đến 76,47%. So sánh toàn cầu cho thấy Ấn Độ có tỷ lệ ca nhiễm (2.424 ca/1 triệu dân) và tỷ lệ tử vong (44 ca/1 triệu dân) thuộc hàng thấp nhất. Các mức trung bình toàn cầu tương ứng là 3.161 và 107,2”.
Ông lưu ý mặc dù Ấn Độ bị hạn chế về nguồn lực và có dân số đông, song việc kịp thời áp đặt lệnh phong tỏa và nhanh chóng tăng cường cơ sở hạ tầng đã giúp kiềm chế số ca bệnh và số người chết ở mức thấp hơn đáng kể so với các nước khác.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h00 ngày 29/8 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 24.960.203 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 842.286 ca tử vong. Số trường hợp được điều trị khỏi bệnh là 17.342.921 người.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 185.986 trường hợp tử vong trong tổng số 6.097.736 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 119.594 ca tử vong trong số 3.812.605 bệnh nhân và Ấn Độ đứng thứ 3 với 62.837 ca tử vong trên 3.477.250 ca bệnh.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe là những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 271.686 ca tử vong trong tổng số 7.137.854 ca nhiễm; tiếp đó là châu Âu 214.884 ca tử vong trên 3.898.042 ca mắc bệnh.
Châu Á có 95.137 ca tử vong trên 4.979.953 ca bệnh; Trung Đông có hơn 35.900 ca tử vong; châu Phi hơn 29.100 ca tử vong và số ca tử vong do COVID-19 tại châu Đại dương là 641 người.
Xét trên tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, khi cứ 100.000 người dân có 86 người không qua khỏi đại dịch này; tiếp đó là Bỉ (với tỷ lệ 85 người), Tây Ban Nha (62 người), Anh (61 người) và Italy (59 người).
Tại khu vực Đông Nam Á, trong ngày 29/8, Indonesia đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục, với 3.308 trường hợp, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 169.195 người.
Đây cũng là ngày thứ ba liên tiếp quốc đảo này gia tăng số ca nhiễm mới. Giới chức y tế Indonesia cũng xác nhận thêm 92 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi do COVID-19 tại đây lên 7.261 trường hợp.
Philippines cũng có thêm 3.637 trường hợp mắc bệnh và 94 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong do COVID-19 ở nước này lên lần lượt 213.131 người và 3.419 người.
Tai Trung Quốc, chính quyền thành phố Vũ Hán - tâm dịch COVID-19 đầu tiên trên thế giới, ngày 28/8 cho biết các trường trung học, tiểu học và mẫu giáo tại thành phố này sẽ bắt đầu học kỳ mới vào ngày 1/9 tới và sẽ áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh.
Còn tại Hàn Quốc, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (KCDC) ngày 29/8 thông báo có thêm 323 ca nhiễm mới, trong đó 308 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 19.400 ca.
Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca nhiễm mới theo ngày ở Hàn Quốc duy trì ở mức hơn 300 ca/ngày trong bối cảnh giới chức nước này kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội tăng cường đồng thời cảnh báo tuần tới có thể là cơ hội cuối cùng để ngăn chặn một đợt bùng phát dịch lớn.
Theo KCDC, số ca tử vong tại Hàn Quốc cũng tăng lên 321 ca sau khi có thêm 5 bệnh nhân tử vong. KCDC cho biết trong số 308 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 244 ca ở khu vực thủ đô Seoul (trong đó thủ đô Seoul có 124 ca, tỉnh Gyeonggi 100 ca và thành phố cảng Incheon 20 ca). Các thành phố lớn khác cũng báo cáo có thêm các ca nhiễm mới, trong đó thành phố Gwangju có 14 ca, thành phố cảng Busan có 5 ca.
Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản cùng ngày đã xác nhận thêm 247 trường hợp mắc bệnh, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 lên 20.569 trường hợp. Kể từ đầu tháng 8 đến nay, số bệnh nhân mới tính theo ngày ở thành phố 14 triệu dân này luôn được ghi nhận ở mức 3 con số, trong đó mức kỷ lục là 472 trường hợp (ngày 1/8).
Cũng trong ngày 29/8, giới chức bang Victoria của Australia thông báo có thêm 94 ca nhiễm mới và 18 ca tử vong. Đây là ngày ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày thấp nhất trong khoảng 2 tháng qua và lần đầu tiên giảm xuống dưới 100 ca/ngày trong 8 tuần qua ở bang này.
Tuy nhiên, giới chức bang Victoria cho rằng không vội dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội. Hiện Australia đã ghi nhận tổng cộng hơn 25.500 ca mắc COVID-19 và 601 ca tử vong do bệnh này.
Tổng thống Argentina Alberto Fernandez cùng ngày thông báo sẽ áp dụng các quy định mới nới lỏng các hạn chế được thực thi trước đó để ngăn chặn dịch COVID-19. Các quy định mới dự kiến được áp dụng đến ngày 20/9 tới.
Ông Fernandez nêu rõ kể từ ngày 28/8 chính phủ sẽ cho phép người dân tụ tập ngoài trời tối đa 10 người, nhưng vẫn phải duy trì giãn cách 2m và đeo khẩu trang. Quyết định này sẽ có hiệu lực trên cả nước.
Chính quyền Buenos Aires cũng thông báo kể từ tuần tới sẽ bắt đầu cho phép các nhà hàng phục vụ khách ngoài trời và thành phố đang đánh giá việc nối lại dần hoạt động xây dựng.
Trong khi đó, Thủ tướng Peru Walter Martos đã gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia đến ngày 30/9, đồng thời ban hành biện pháp cách ly xã hội tại một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch COVID-19. Theo quyết định mới nhất, các tỉnh Cusco, Moquegua, Puno và Tacna vẫn sẽ được đặt trong tình trạng cách ly xã hội.
Tại 4 địa phương này, chính quyền chỉ cho phép mở cửa những cơ sở kinh doanh hàng hóa và dịch vụ cơ bản, chẳng hạn như cửa hàng thực phẩm và hiệu thuốc, cũng như một số công ty có giấy phép hoạt động đặc biệt. Peru trước đó tuyên bố duy trì việc đóng cửa biên giới và giới nghiêm ban đêm có hiệu lực từ ngày 16/3, đồng thời kéo dài tình trạng khẩn cấp về y tế đến ngày 7/12.
Tại Đức, cảnh sát ở thủ đô Berlin ngày 29/8 thông báo giải tán sớm các cuộc biểu tình đang diễn ra ở khu vực trung tâm thành phố do người biểu tình không tuân thủ các quy định phòng dịch COVID-19, đặc biệt là việc giữ khoảng cách.
Cảnh sát được triển khai tại khu vực biểu tình đã sử dụng loa để yêu cầu người biểu tình nhanh chóng giải tán, song ở một vài con phố, người biểu tình đã tìm cách chống đối và tuyên bố sẽ ở lại khu vực biểu tình.
Tính đến trưa 29/8, ước tính có khoảng 18.000 người tham gia các cuộc biểu tình ở khu vực trung tâm, gần khu vực Cổng thành Brandenburg. Cảnh sát gồm khoảng 3.000 người đã được triển khai cùng nhiều phương tiện, trong đó có vòi rồng, máy bay trực thăng để ghi hình từ trên không,... nhằm ứng phó với mọi tình huống trong cuộc biểu tình.
Các cuộc biểu tình này được hô hào tổ chức nhằm phản đối các quy định của chính quyền, vốn được áp đặt nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận