Cập nhật tình hình dịch COVID-19: EU dùng công nghệ tăng cường truy vết virus SARS-CoV-2
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, sáu quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu thử nghiệm công nghệ kết nối các ứng dụng truy dấu virus SARS-CoV-2 trên toàn châu Âu trong bối cảnh "Lục địa Già" đang đứng trước những thách thức của làn sóng dịch thứ hai.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Italy chính thức mở cửa lại trường học từ hôm nay
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Iran thử nghiệm vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 trên người
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Khẩu trang trùm cổ không có tác dụng chống dịch
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết các quốc gia gồm CH Séc, Đan Mạch, Đức, Ireland, Italy và Latvia bắt đầu thử nghiệm các kết nối mới giữa những máy chủ cung cấp ứng dụng truy vết của các nước. EC cho biết hệ thống mới sẽ đảm bảo những ứng dụng này hoạt động liên tục không gián đoạn kể cả khi người dùng đi qua biên giới các nước.
Thông báo của EC nêu rõ người dùng sẽ chỉ cần cài đặt một ứng dụng và vẫn sẽ có thể báo cáo nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 hoặc nhận cảnh báo về các ca bệnh kể cả khi đi ra nước ngoài.
Lo ngại trước đợt bùng phát dịch thứ hai khiến EU đã phải liên kết các ứng dụng truy vết COVID-19 trên toàn châu Âu.
Brussels đang nỗ lực phối hợp giữa 27 thủ đô của các nước thành viên để truy dấu các ca bệnh và kiểm soát các ổ dịch tốt hơn trên phạm vi toàn liên minh. Tuy nhiên, nhiều nước thành viên EU đã tự triển khai những ứng dụng truy dấu riêng, không đồng bộ với nhau, cản trở những nỗ lực nhằm giám sát dịch bệnh lây lan trên toàn khu vực.
Các quốc gia đã xây dựng những cơ sở dữ liệu tập trung riêng như Pháp và Hungary sẽ không thể tham gia hệ thống của EU. Nhưng những ứng dụng được sử dụng ở 18 quốc gia thành viên EU, bao gồm Đức, Ba Lan và Italy, có thể tham gia hệ thống này.
Những ứng dụng này sử dụng mô hình lưu trữ dữ liệu phi tập trung, cùng loại mà các hãng công nghệ hàng đầu của Apple và Google quảng bá, trong khi ứng dụng StopCovid của Pháp có một máy chủ tập trung.
Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề công nghiệp Thierry Breton cho biết giao lưu nhân dân và đi lại tự do là nền tảng của mô hình EU và thị trường chung. Hệ thống mới sẽ tạo điều kiện đảm bảo những giá trị căn bản này trong bối cảnh đại dịch hoành hành và giúp bảo vệ mạng sống của người dân. Theo ông, nhiều quốc gia đã triển khai những ứng dụng truy dấu và cảnh báo riêng và đã đến lúc giúp những ứng dụng này tương tác với nhau.
Công nghệ trên dược hãng phần mềm hàng đầu của Đức là SAP và T-Systems, một chi nhánh của Dutsche Telekom phát triển. Đây cũng là hai hãng phối hợp phát triển phần mềm truy dấu virus được đánh giá cao tại Đức. Ứng dụng này tới nay đã nhận được 18 triệu lượt tải về.
Theo trang thống kê toàn cầu worldometers.info, tính đến 22h ngày 14/9 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 29,22 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 929.197 ca tử vong. Hơn 21 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục và còn hơn 7,24 triệu người đang được điều trị, với 60.492 ca bệnh nặng hoặc nguy kịch.
Tại Ấn Độ, tâm dịch châu Á, quốc gia này ghi nhận thêm 92.071 ca mắc mới và 1.136 ca tử vong trong báo cáo cập nhật dịch bệnh trong 24 giờ gần nhất. Hiện Ấn Độ có tổng cộng hơn 4,84 triệu ca bệnh, trong đó 79.722 ca tử vong. Thời gian qua, Ấn Độ liên tục ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất trên toàn thế giới.
Chỉ trong một tuần qua, mỗi ngày quốc gia này ghi nhận trung bình hơn 90.000 ca mắc mới. Hiện số ca mắc mới ghi nhận mỗi ngày tại Ấn Độ cao gấp đôi số ca mắc mới mỗi ngày trung bình tại Mỹ và Brazil, 2 quốc gia còn lại trong số 3 quốc gia chịu tác động dịch bệnh nghiêm trọng nhất thế giới.
Ngày 14/9, Quốc hội Ấn Độ trở lại làm việc, với các biện pháp nghiêm ngặt nhằm duy trì giãn cách xã hội, thời gian làm việc tại lưỡng viện đều được điều chỉnh trong khi các nhân viên truyền thông cũng bị hạn chế tiếp cận các cuộc họp.
Tình hình dịch tại bang Victoria, tâm dịch của làn sóng lây nhiễm thứ hai ở Australia, đang có chiều hướng lắng dịu khi ngày 14/9, bang này ghi nhận số ca mắc mới thấp nhất trong gần 3 tháng qua - 35 ca - trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở thủ phủ Melbourne được dỡ bỏ một phần. Tới nay, Australia xác nhận khoảng 27.000 ca mắc COVID-19 và 817 ca tử vong.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết nước này sẽ nới lỏng các hạn chế bằng cách hạ cảnh báo dịch COVID-19 xuống cấp độ 1 ở hầu hết các vùng hiện đang ở cấp độ 2.
Thành phố Auckland hiện ở cấp độ cảnh báo 2,5 và dự kiến, ngày 21/9 tới, Chính phủ New Zealand sẽ quyết định có hạ cấp độ cảnh báo tại thành phố này hay không.
Cấp độ 2 quy định các cuộc tụ tập chỉ được có sự tham gia của tối đa 100 người trong khi cấp độ 2,5 và cấp độ 3 chỉ cho phép tối đa 10 người tham gia. Theo cấp độ cảnh báo 1, mọi người dân có thể trở lại làm việc, đến trường học, chơi thể thao và đi du lịch trong nước, các cuộc tụ họp không bị hạn chế.
Tuy nhiên, New Zealand vẫn áp đặt hạn chế ở vùng biên giới cũng như yêu cầu vệ sinh đối với hàng hóa. Trong ngày, New Zealand ghi nhận thêm 2 ca nhiễm mới, trong đó có 1 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 1.447 ca.
Hàn Quốc sẽ nới lỏng các hạn chế đối với các nhà hàng, chuỗi cửa hàng cà phê và các cơ sở kinh doanh khác tại khu vực thủ đô Seoul sau khi ngày 13/9, chính phủ quyết định nới lỏng các quy định chống dịch COVID-19 ở khu vực này trong 2 tuần tới.
Theo giới chức y tế Hàn Quốc, nước này đã quyết định không gia hạn quy định giãn cách xã hội cấp độ 2,5 kết thúc vào đêm 13/9 tại khu vực thủ đô đông dân cư sau khi các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn đã có hiệu quả.
Theo đó, từ ngày 14/9, khu vực thủ đô Seoul sẽ trở lại quy định giãn cách xã hội cấp độ 2 trong thang gồm 3 cấp độ, cùng cấp cảnh báo được áp đặt trên cả nước, cho đến ngày 27/9 tới. Trước đó, ngày 4/9 vừa qua, Hàn Quốc đã gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội cấp độ 2 thêm hai tuần, đến ngày 20/9, trên quy mô toàn quốc.
Saudi Arabia sẽ dỡ bỏ một phần quy định đình chỉ các chuyến bay quốc tế từ ngày 15/9, sau 6 tháng áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại nhằm kiềm chế dịch lây lan.
Theo đó, người dân vùng Vịnh và những người không phải là công dân Saudi Arabia nếu có thị thực hoặc giấy phép cư trú hợp lệ và không mắc bệnh COVID-19 sẽ được phép đến Saudi Arabia từ ngày 15/9.
Ngoài ra, những trường hợp ngoại lệ khác gồm nhân sự của quân đội và chính phủ Saudi Arabia, nhân viên sứ quán, sinh viên và người đi chữa bệnh, cũng sẽ được phép đi và đến Saudi Arabia.
Theo Bộ Nội vụ, Saudi Arabia sẽ dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế đối với hoạt động giao thông đường không, đường bộ và đường biển cho công dân nước này từ sau ngày 1/1/2021, nhưng thời điểm cụ thể sẽ được thông báo vào tháng 12 tới.
Saudi Arabia cũng sẽ thông báo sau về kế hoạch dần dần cho phép thực hiện lễ hành hương Umrah. Saudi Arabia hiện ghi nhận hơn 325.000 ca nhiễm, cao nhất vùng Vịnh, và hơn 4.200 ca tử vong vì COVID-19.
Tại Đông Nam Á, Singapore đang thử nghiệm áp dụng cách tiếp cận mới trong phòng dịch, theo đó sẽ tiến hành cách ly một cách hạn chế thay vì kiểm soát gắt gao trên diện rộng như trước.
Thay vì đóng cửa hoàn toàn các khu nhà cho công nhân nhập cư, nước này đang mạnh dạn áp dụng một biện pháp khác, cho phép công nhân đi làm, song sẽ tiến hành xét nghiệm thường xuyên, theo dõi chặt chẽ, thực hiện giãn cách hơn và khẩn trương cách ly những trường hợp tiếp xúc gần với người bị nghi nhiễm.
Theo quy định mới, công nhân chỉ được di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc bằng xe chuyên dụng, không được đi đến bất cứ nơi nào khác, trừ các trường hợp đặc biệt. Một số biện pháp khác phòng chống dịch bệnh cũng được áp dụng như giảm số công nhân trong một phòng của khu ký túc, kiểm tra nước thải để truy vết virus tại nơi làm việc...
Chính phủ hy vọng các biện pháp này sẽ giúp loại trừ tận gốc và đưa dịch bệnh vào vòng kiểm soát.
Philippines thông báo số ca tử vong mới do COVID-19 tại nước này tiếp tục ở mức cao kỷ lục, với 259 ca, nâng tổng số không qua khỏi vì dịch bệnh này tại đây lên 4.630 ca.
Bộ Y tế Philippines cũng cho biết với thêm 4.699 ca mới trong 24 giờ qua, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên thành 265.888 ca - cao nhất trong khu vực Đông Nam Á hiện nay. Theo thống kê, số ca nhiễm bệnh tại Philippines đã tăng cao gấp 2 lần chỉ trong vòng 35 ngày trở lại đây.
Cùng ngày, Indonesia thông báo có thêm 3.141 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 221.523 ca. Ngoài ra, với thêm 118 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Indonesia hiện là 8.841 ca - cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Từ ngày 14/9, giới chức thủ đô Jakarta đã tái áp đặt biện pháp phong tỏa một phần để ngăn chặn dịch bệnh.
Theo đó, các cơ sở kinh doanh không thiết yếu chỉ được hoạt động 25% công suất thông thường, các nhà hàng chỉ được phục vụ đồ mang đi, các trường học, công viên và các điểm hút khách du lịch phải đóng cửa. Những người xét nghiệm dương tính với virus, kể cả không có triệu chứng, cũng sẽ phải thực hiện quy định cách ly nghiêm ngặt tại các cơ sở của chính phủ.
Tại châu Âu, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge ngày 13/9 cảnh báo khu vực này sẽ chứng kiến sự gia tăng nhanh số ca tử vong theo ngày trong tháng 10-11 tới khi nhiều nước hiện đang ghi nhận số ca nhiễm mới tăng trở lại. Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh châu Âu hiện đang ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, mặc dù số ca tử vong tương đối ổn định.
Ông Hans Kluge cũng khuyến cáo những ý kiến chủ quan cho rằng vaccine có thể chấm dứt đại dịch, đồng thời nhấn mạnh hiện chỉ có tác dụng với một nhóm người chứ không phải cả mọi người đồng thời kêu gọi người dân học cách sống chung với virus SARS-CoV-2 và việc chấm dứt dịch bệnh phụ thuộc vào chính con người.
Số ca mắc COVID-19 tại châu Âu đã gia tăng trong vài tuần gần đây, đặc biệt là ở Tây Ban Nha và Pháp. Riêng ngày 11/9 vừa qua, hơn 51.000 ca nhiễm mới được ghi nhận tại 55 quốc gia thành viên WHO thuộc khu vực châu Âu, cao hơn mức cao nhất báo cáo hồi tháng 4. Tuy nhiên, số ca tử vong theo ngày vẫn duy trì ở mức 400-500 ca, tương tự như mức kể từ đầu tháng 6.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận