Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Gần 80% người dân Thái Lan lo sợ nguồn bệnh dịch từ nước ngoài
Theo báo cáo khảo sát mới đây của Thái Lan được công bố, đa số người dân đều không còn lo sợ dịch bệnh trong cộng đồng nhưng lại cảm thấy bất an trước việc giới chức nước này mở cửa để đón khách nước ngoài trở lại sau khi dỡ bỏ lệnh giới nghiêm.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Trung Quốc "nóng" trở lại tại khu chợ bán buôn lớn nhất Bắc Kinh
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Indonexia "đón đầu" làn sóng nhà đầu tư rời bỏ Trung Quốc
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Olympic Tokyo 2020 sẽ được tổ chức đơn giản hoá
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, theo kết quả thăm dò dư luận của Viện Quản lý phát triển quốc gia Thái Lan (NIDA) công bố ngày 14/6 cho thấy 52,76% số người được hỏi nói rằng không còn sợ do Thái Lan không còn những ca lây nhiễm mới trong cộng đồng từ nhiều ngày qua và họ tin tưởng vào công việc của các nhân viên y tế.
Cuộc khảo sát được tiến hành vào ngày 8-9/6 đối với 1.270 người từ 15 tuổi trở lên ở nhiều trình độ giáo dục và nghề nghiệp khác nhau trên cả nước.
Tình hình dịch bệnh ở các nước trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp khiến cho nỗi lo của người dân Thái Lan về nguồn bệnh từ nước ngoài.
Trong khi đó, kết quả thăm dò dư luận do Đại học Suan Dusit thực hiện được công bố cùng ngày cho thấy đa số người dân Thái Lan được hỏi (75,72%) không muốn du khách nước ngoài trở lại sớm vì cho rằng người nước ngoài có thể làm lây lan dịch COVID-19 và người dân Thái sẽ có thể là những người đầu tiên lây nhiễm.
Về câu hỏi khi nào thì du lịch của Thái Lan sẽ trở lại bình thường sau khi tình hình hình COVID-19 được kiểm soát, 41,4% trả lời 1 năm, trong khi 25,9% nói là 6 tháng, 20,52% cho là 2 năm và 12,18% nghĩ rằng hơn 2 năm.
Thăm dò của Đại học Suan Dusit được tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 9-12/6 đối với 1.116 người trên khắp đất nước để thu thập ý kiến sau khi Chính phủ Thái Lan công bố nới lỏng phong tỏa và mời người dân đến thăm những điểm du lịch của đất nước để giúp kích thích nền kinh tế.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 14/6 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 7.908.186 ca nhiễm và 433.019 ca tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 4.064.871 người.
Tại một loạt quốc gia châu Á, diễn biến dịch đang có dấu hiệu phức tạp làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai. Tại Trung Quốc, giới chức y tế Bắc Kinh cho biết tính từ 0 - 7h sáng 14/6, thành phố này xác nhận thêm 8 ca mắc COVID-19. Tất cả các trường hợp trên đều liên quan đến khu chợ Tân Phát Địa ở quận Phong Đài, Tây Nam thủ đô.
Tại Nhật Bản, thành phố Tokyo xác nhận thêm 47 ca mắc mới, chỉ vài ngày sau khi dỡ bỏ cảnh báo về nguy cơ gia tăng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở thủ đô. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 5/5, số ca mắc mới trong ngày của Tokyo tăng lên trên 40 người.
Giới chức y tế Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 34 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 12.085 ca. Tuy nhiên, Hàn Quốc không ghi nhận thêm bất cứ ca tử vong nào
Ấn Độ đang là điểm nóng dịch của châu Á, nước này ghi nhận thêm 11.929 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc lên 320.922 ca, trong đó có 9.195 ca tử vong. Như vậy, số ca mắc bệnh COVID-19 và số ca tử vong ở Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi kể từ đầu tháng 6.
Một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Phippines, Indonesia, Singapore tiếp tục ghi nhận thêm hàng trăm ca mắc và tử vong do COVID-19 trong ngày 14/6.
Tình hình tại Indonesia là phức tạp nhất. Bộ Y tế Indonesia cho biết nước này ghi nhận thêm 857 ca mắc mới và 43 ca tử vong. Theo đó, tổng số ca mắc tại đây tăng lên 38.277 ca, trong đó có 2.134 ca tử vong
Tại Iran, nhà chức trách đã ghi nhận thêm 107 ca tử vong do COVID-19 ở nước này trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca COVID-19 không qua khỏi tại đây lên 8.837 ca.
Đây là lần đầu tiên trong 2 tháng qua Iran thông báo hơn 100 ca tử vong mới trong một ngày. Iran ghi nhận thêm 2.472 ca mắc trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 187.427 ca.
Trong khi đó, châu Âu ghi nhận tín hiệu tích cực khi đà lây lan có xu hướng giảm. Tây Ban Nha tuyên bố sẽ mở cửa lại biên giới với các nước thuộc khu vực Schengen của Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 21/6 tới. Riêng với Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha quyết định sẽ mở cửa biên giới vào ngày 1/7 như thông báo trước đó.
Tại Australia, giới chức bang New South Wales thông báo sẽ dỡ bỏ giới hạn 50 người tại các địa điểm trong nhà như quán cà phê, quán rượu, nhà hàng và nhà thờ từ ngày 1/7 để giúp khôi phục các hoạt động kinh tế hậu đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, bang Victoria cũng thông báo từ đầu tuần tới các quán cà phê, nhà hàng và quán rượu ở bang sẽ có thể tiếp nhận tối đa 50 khách tại cùng một thời điểm so với mức mức giới hạn hiện nay là 20 người.
Tại châu Phi, Bộ Y tế Ai Cập cho biết nước này ghi nhận thêm 1.677 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia Bắc Phi này lên tới 42.980 người. Đây là mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi Ai Cập phát hiện trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 vào hôm 14/2.
Cũng theo Bộ Y tế Ai Cập, đã có thêm 62 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 1.484 người. Đây cũng là con số tử vong cao nhất được thống kê trong một ngày kể từ đầu dịch.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận