Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Virus SARS-CoV-2 sẽ thổi bay 12 nghìn tỉ USD của nhân loại
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, Báo cáo triển vọng kinh tế Thế giới của IMF cho biết đại dịch lớn nhất của nhân loại đã khiến GDP toàn cầu sụt giảm 4,9% trong năm 2020 và còn "thổi bay" 12 nghìn tỉ USD của nhân loại trong 2 năm tới
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Europol lo ngại về vấn đề bạo lực khi thực hiện giãn cách xã hội
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Maroc buộc phải mở lại bệnh viễn dã chiến
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Thuốc điều trị SARS-CoV-2 thể nhẹ chuẩn bị được tung ra thị trường
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, IMF cho biết hoạt động kinh doanh trên toàn cầu bị đình trệ khiến hàng trăm triệu việc làm biến mất, và các nền kinh tế lớn ở châu Âu đối mặt với suy thoái ở mức hai con số. Triển vọng phục hồi sau dịch bệnh rất bất trắc vì không thể dự báo hướng phát triển của virus.
IMF cảnh báo: "Đại dịch COVID-19 đã gây ra tác động đến hoạt động kinh tế trong nửa đầu năm 2020 tiêu cực hơn dự báo, và sự phục hồi sẽ chậm chạp hơn các dự báo trước đây".
Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Virus SARS-CoV-2 sẽ thổi bay 12 nghìn tỉ USD của nhân loại.
Theo báo cáo trên, trong khi các doanh nghiệp đã mở cửa trở lại ở nhiều nước và Trung Quốc chứng kiến sự hồi phục nảy lớn hơn dự kiến, một làn sóng lây nhiễm thứ hai đang đe dọa triển vọng này. IMF dự báo GDP thế giới sẽ tăng trở lại 5,4% trong năm 2021, nhưng chỉ khi mọi chuyện diễn ra theo kịch bản tốt đẹp.
Kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath bày tỏ thận trọng rằng "chúng ta chưa thoát nạn", đồng thời kêu gọi cần tiếp tục các hỗ trợ từ chính sách tiền tệ và tài chính.
Trong một bài đăng trên trang blog cá nhân, ông Gopinath cho biết sự suy thoái đặc biệt gây thiệt hại cho các nền kinh tế có thu nhập thấp và các hộ gia đình, đồng thời đe dọa những tiến bộ đã đạt được trong xóa giảm đói nghèo. Các chuyên gia IMF lo ngại dịch sẽ "để lại những vết sẹo dài" trong thương mại, kinh doanh và việc làm.
Theo báo cáo, thiệt hại là rất lớn và lan rộng hơn bất kỳ đợt suy thoái nào trong nhiều thập kỷ qua. Suy thoái tại các nền kinh tế lớn sẽ hơn gấp đôi mức mà họ từng chứng kiến trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Năm nay, Trung Quốc sẽ góp 1% cho tăng trưởng toàn cầu, con số tích cực duy nhất trong danh sách dài các nền kinh tế quan trọng mà IMF theo dõi. Mỹ sẽ suy thoái 8% và Đức suy thoái nhẹ hơn, trong khi Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Anh sẽ suy thoái ở mức 2 con số. Nhật Bản làm tốt hơn một chút, với suy thoái ở mức 5,8%.
Mexico cũng sẽ chứng kiến suy thoái hai con số, trong khi Brazil gần mức đó. Argentina đang trong núi nợ lớn do cuộc khủng hoảng kép y tế và kinh tế sau khi nước này một lần nữa không thể trả được nợ nước ngoài.
Theo thống kê của trang mạng worldometers.info, tính đến 22h ngày 24/6 (giờ Việt Nam), thế giới có hơn 9,39 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó số ca tử vong đã lên tới hơn 480.000 ca.
Dịch vẫn diễn biến phức tạp tại châu Mỹ và một số nước châu Á trong khi giới chức thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) khẳng định đã kiểm soát được đợt bùng phát mới tại thành phố này.
Tại châu Mỹ, dịch vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều thành phố của Mỹ, quốc gia hiện ghi nhận số ca mắc và tử vong vì dịch bệnh cao nhất thế giới, lần lượt là hơn 2,4 triệu ca và 123.500 ca. Bang Texas thông báo số ca mắc bệnh ghi nhận theo ngày đã lần đầu tiên vượt 5.000 ca.
Giới chức bang cảnh báo đại dịch COVID-19 đang có những diễn biến "hết sức nghiêm trọng" và lây lan nhanh chóng, yêu cầu người dân hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời. Số ca mắc COVID-19 ở bang Texas đã gia tăng rất nhanh trong tháng 6 này.
Tỷ lệ lây nhiễm hiện ở mức 9% so với mức 4,5% trong tháng trước đó. Tính đến hết ngày 23/6, bang này có 120.370 người mắc COVID-19, trong đó 2.220 người đã tử vong.
Hiện số ca tử vong do COVID-19 tại khu vực Mỹ Latinh đã vượt con số 100.000 ca. Bên cạnh các tâm dịch Brazil (52.771 ca tử vong trong số 1.151.479 người mắc bệnh) và Mexico (23.377 ca tử vong trong số 191.410 người mắc bệnh), Chile cũng là quốc gia đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng.
Tại Venezuela, bang Zulia ở miền Tây, đang dần trở thành một tâm điểm mới của dịch bệnh trong bối cảnh thiếu hụt nghiêm trọng điện và nước trong suốt một thời gian dài, kết hợp với sự khan hiếm trang thiết bị và vật tư y tế tại các bệnh viện đã khiến việc phòng chống dịch bệnh không hiệu quả.
Chính phủ Venezuela xác định Zulia đang là tâm dịch mới với 590 ca mắc COVID-19, trong đó có 10 ca tử vong, trong khi trên cả nước mới chỉ ghi nhận 4.048 ca bệnh, trong đó có 35 ca tử vong.
Tại châu Âu, ngày 24/6, cơ quan y tế Nga thông báo ghi nhận thêm 7.176 ca nhiễm mới, đưa tổng số lên 606.881 ca, cao thứ 3 thế giới. Ngoài ra, Nga cũng ghi nhận thêm 154 người tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca tử vong ở nước này lên 8.513 người.
Cũng trong ngày 24/6, Bộ Y tế Bulgaria thông báo nước này sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 15/7 do số ca mới tiếp tục gia tăng. Hồi đầu tháng 6, Bulgaria đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế tuy nhiên tuần trước, nước này đã ghi nhận thêm 606 ca nhiễm mới, mức tăng trong tuần cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới 4.114 ca, trong đó có 208 ca tử vong. Bộ Y tế Ukraine cũng thông báo mở thêm bệnh viện để điều trị bệnh nhân COVID-19 để khắc phục tình trạng thiếu giường bệnh tại các cơ sở y tế được chỉ định điều trị bệnh nhân COVID-19 do số ca nhiễm gia tăng.
Tại Anh, các bác sĩ hàng đầu đã gửi thư ngỏ tới lãnh đạo các chính đảng cảnh báo về nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Trong thư, các bác sĩ cho rằng hiện có những bằng chứng cho thấy dịch bệnh có nguy cơ bùng phát tại các địa phương và làn sóng dịch bệnh thứ hai là một mối đe dọa thực sự.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahnm nhấn mạnh rằng dịch COVID-19 vẫn là một mối đe dọa sau khi chính quyền bang North Rhine-Westphalia, miền Tây nước này, áp đặt lại lệnh phong tỏa khu vực Guetersloh do phát hiện ổ dịch tại một nhà máy chế biến thịt. Đây là khu vực đầu tiên ở Đức phải áp đặt lại lệnh phong tỏa sau khi nhà chức trách bắt đầu dần nới lỏng các biện pháp hạn chế vào cuối tháng 4.
Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực ở châu Phi và Trung Đông. Nam Phi ghi nhận thêm 111 ca tử vong, số ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, đưa tổng số ca tử vong lên 2.102 ca. Trong khi đó, số ca mắc tăng thêm 4.518 ca lên 106.108 ca.
Bộ Y tế Ai Cập thông báo ghi nhận thêm 1.332 ca, nâng tổng số ca tại nước này lên 58.141 ca trong khi số ca tử vong tăng thêm 87 ca lên 2.365 ca.
Tại Israel, Bộ Y tế thông báo đã ghi nhận thêm 430 ca, số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ ngày 22/4, nâng tổng số ca lên 21.512 ca trong đó có 308 ca tử vong.
Ở châu Á, Ấn Độ ghi nhận thêm 15.968 ca và 465 ca tử vong. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày tăng cao như vậy kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Hiện tổng số ca nhiễm là 456.183 ca và số ca tử vong là 14.476 ca.
Tại Nhật Bản, chính quyền thành phố Tokyo cho biết có 55 ca nhiễm mới trong ngày 23/6. Đây là lần đầu tiên Tokyo ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày vượt con số 50 ca/ngày kể từ ngày 5/5. Còn Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng 24/6 cho biết tổng số ca tăng thêm 51 ca lên 12.535 ca.
Trong khi đó, nhà chức trách thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết đợt bùng phát mới của dịch COVID-19, ảnh hưởng tới 256 người ở thủ đô từ đầu tháng 6, hiện đã được kiểm soát tuy nhiên vẫn còn lo ngại về nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Đợt bùng phát dịch trên có liên quan đến khu chợ đầu mối lớn nhất ở Bắc Kinh là Tân Phát Địa sau khi ca đầu tiên được ghi nhận ngày 11/6, dẫn tới một phần thành phố bị phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Giới chuyên gia cảnh báo các đợt bùng phát nhỏ hơn và mang tính định kỳ có thể tái diễn trong tương lai. Theo các chuyên gia, số ca nhiễm có thể tăng vào mùa Đông hoặc mùa Xuân tới, nhưng đợt bùng phát mới sẽ không lớn như làn sóng đầu tiên.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận