Ngân hàng số khẳng định vai trò trụ cột của quá trình khôi phục kinh tế hậu COVID-19
Trong nhiệm vụ triển khai nhiệm vụ số hoá và đặc biệt là trong thời kỳ khôi phục kinh tế ứng phó với tác động tiêu cực của dịch COVID-19, dịch vụ ngân hàng số và thanh toán điện tử được coi là bệ đỡ cho quá trình này khi quá trình quốc tế hoá các quan hệ thương mại là tất yếu.
- Bộ TT&TT đang xây dựng quy định định danh và xác thực điện tử, thúc đẩy thanh toán điện tử
- Facebook pay phát triển thanh toán trực tuyến cho các ứng dụng của mình
- Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ có 4 nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia ít ỏi trên thế giới đã kiểm soát khá tốt dịch bệnh COVD-19. Chính phủ Việt Nam đã chính thức tái khởi động để phục hồi nền kinh tế.
Trên thực tế, dịch bệnh gây ra nhiều tác động vô cùng nguy hại cho nền kinh tế và xã hội nhưng ở chiều ngược lại đây cũng chính là động lực thúc đẩy sự thay đổi trong đời sống và nền kinh tế.
Dù đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ ngân hàng số và thanh toán điện tử, nhưng thực tế vẫn tiếp tục đặt ra yêu cầu hoàn thiện mặt pháp lý, về năng lực các ngân hàng, sự đồng bộ trong môi trường quốc gia số….
Ông Lộc cho rằng, có rất nhiều việc phải làm để tái cấu trúc nền kinh tế sau đại dịch. Một trong những việc rất quan trọng đó là phải thực hiện số hóa nền kinh tế và số hóa doanh nghiệp, đẩy mạnh thương mại điện tử. Yêu cầu số hóa và quốc tế hóa đang trở thành những yêu cầu quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Số hóa và quốc tế hóa đảm bảo sự phát triển hiệu quả hơn, bền vững hơn của nền kinh tế và của các doanh nghiệp.
Theo báo cáo của VCCI, Việt Nam hiện đã có 70 tổ chức tín dụng và chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua Internet, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.
Giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng và 300 nghìn tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động. Những con số này bước đầu có ý nghĩa, tuy nhiên nếu so với quy mô của nền kinh tế, lượng giao dịch như vậy là nhỏ.
Nếu so với mô hình ngân hàng truyền thống thì ngân hàng số và ví điện tử có nhiều điểm khác biệt và có lợi thế cạnh tranh so với mô hình truyền thống. Tất cả các kênh giao tiếp với khách hàng được thực hiện trực tuyến thông qua các thiết bị di động với một giao diện phong phú, trực quan và gắn kết, tạo sự gắn bó với khách hàng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã đồng hành cùng doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19.
Khoảng hơn 1.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp; trong đó đa số là các giao dịch dưới 2 triệu đồng được thực hiện dưới hình thức giao dịch điện tử.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực truyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia; Miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng chống dịch COVID-19/ miễn phí cho người thụ hưởng nhận hỗ trợ thiệt hại do dịch COVID-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ,…
Trong bối cảnh kinh tế số, thanh toán điện tử phát triển nhanh chóng, chính sách có đuổi kịp được sự phát triển này không? Theo ông Phạm Tiến Dũng: "Chúng ta mất một vài năm để ra đời một Nghị định, trong khi đó công nghệ luôn phát triển, thậm chí chỉ sau 2-3 tháng lại có một loại hình mới. Do đó, phải thay đổi, cho phép những mô hình đổi mới sáng tạo với những thứ chưa có cơ sở pháp lý, ví dụ như thời gian qua có mobile Money".
Để thúc đẩy kinh tế số, theo ông Dũng, các ngân hàng phải làm thế nào để nhanh nhất đưa những người sử dụng thông thường trở thành khách hàng của ngân hàng.
“Với mùa dịch COVID-19 vừa qua, chúng tôi phải xây dựng quy định về mở tài khoản bằng phương pháp xác nhận điện tử, tạo điều kiện cho khách hàng mở tài khoản”. Ngoài ra, việc quan trọng hơn là khách hàng có được thoả mãn với những sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng cung cấp hay không? ông Dũng nhấn mạnh.
Thanh toán trong giai đoạn vừa qua đặt ra vấn đề phải kết nối hệ thống như kết nối với hệ thống dịch vụ công, đóng tiền điện... Ví dụ như vừa qua ngân hàng đã kết nối mobile banking với dịch vụ đi chợ,..., đây là sự đổi mới đáng ghi nhận.
Ông Dũng cũng cho biết thêm, dự kiến trong tháng 6 này, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam sẽ có khái niệm về tiền điện tử, ngân hàng đại lý. Đây là cơ sở để các ngân hàng phát triển ngân hàng số toàn diện.
Đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Hưng - Tổng Giám đốc Công ty Napas cho biết, đại dịch COVID-19 đến nay đã lan rộng ra toàn cầu gây thiệt hại rất lớn đối với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
"Về mặt kinh tế, COVID-19 đã có những tác động tiêu cực khiến cho chuỗi cung ứng dịch vụ, hàng hóa trên toàn cầu cũng như toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh bị đứt gẫy. Tuy nhiên, trên khía cạnh tích cực, đây lại là cơ hội để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam" Tổng giám đốc Napas nhấn mạnh.
Napas hiện đang quản trị và vận hành hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử - một trong bốn hệ thống thanh toán quan trọng của quốc gia - kết nối liên thông mạng lưới trên 19.000 máy ATM, 286.863 máy POS, trên 83 triệu thẻ của gần 50 ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.
Đồng thời, Napas cung cấp dịch vụ cổng thanh toán điện tử kết nối với hơn 200 đối tác là các đơn vị cung cấp dịch vụ công, các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực hãng hàng không, viễn thông, khách sạn, du lịch và nhiều dịch vụ thanh toán điện tử tiện ích khác cho người dân.
Với vai trò Trung tâm chuyển mạch tài chính quốc gia, Napas đã và đang triển khai các dự án hoàn thiện hạ tầng thanh toán quốc gia, phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử đa tiện ích, đa kênh thanh toán, tạo thêm nhiều sự tiện lợi và tăng cường an ninh bảo mật cho các giao dịch thanh toán điện tử, thanh toán số của khách hàng, cung cấp các dịch vụ với chi phí hợp lý nhất.
Bàn về các giải pháp phát triển hạ tầng thanh toán trong thời gian tới, ông Hưng cho biết, Napas sẽ tiến hành nhiều giải pháp để phát triển hạ tầng thanh toán như chuyển đổi thẻ từ sang thẻ Chip hay sẽ đưa vào vận hành Hệ thống thanh toán bán lẻ và bù trừ tự động (ACH).
Đây là một trong các cấu phần quan trọng của hệ thống thanh toán quốc gia được NAPAS phát triển trên nền tảng hạ tầng chuyển mạch và bù trừ điện tử. Hệ thống bù trừ tự động cho các giao dịch bán lẻ dự kiến đưa vào vận hành chính thức trong tháng 6/2020.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận