Mường Tè (Lai Châu): Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Những năm qua, nhờ việc thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã có tác động tích cực đến cuộc sống người dân trên địa bàn huyện Mường Tè khi ý thức về việc bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được nâng cao nhờ đó mà nhiều diện tích rừng được trồng mới, phủ xanh đất trống, đồi trọc.
- Gắn phát triển du lịch sinh thái với bảo vệ rừng Đồng Sơn-Kỳ Thượng
- Hoàn thành công trình TBA 220kV Mường Tè giải tỏa nguồn thủy điện khu vực Tây Bắc
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nhân lên màu xanh của những cánh rừng ở huyện Mường Tè.
Huyện Mường Tè có tổng diện tích tự nhiên gần 268.000ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên lên đến hơn 170.000ha. Đây cũng là huyện dẫn đầu tỉnh Lai Châu về diện tích rừng.
Về các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Mường Tè như: Tà Tổng, Ka Lăng, Mù Cả... chúng tôi thực sự ấn tượng trước màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng tươi tốt. Những khu đất trống, đồi trọc trước đây, giờ cũng phủ kín màu xanh của cây rừng.
Ông Tống Văn Hoàn - Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Tè
Dẫn chúng tôi đi tham quan các cánh rừng, ông Tống Văn Hoàn – Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Tè, cho hay: "Mấy năm gần đây, ý thức giữ rừng của người dân huyện Mường Tè đã được nâng lên rõ rệt. Thay vì chặt, phá rừng không thương tiếc để làm nương rãy như trước đây, thì nay người dân trong huyện đã biết quý trọng rừng hơn, coi rừng như báu vật để mà bảo vệ.
Động lực để bà con các dân tộc trong huyện chung tay giữ rừng, chính là nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Được hưởng lợi từ chính sách này, người dân các xã, bản trong huyện tích cực tham gia bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng. Có sự chăm sóc, bảo vệ của người dân, những cánh rừng trên địa bàn huyện như được hồi sinh, phát triển ngày càng xanh tốt".
Ông Lường Văn Bạt, ở bản Nà Hẻ, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè đang được giao khoán bảo vệ, chăm sóc hơn 1,5 ha rừng cho biết: “ Nhờ chính sách chi trả DVMTR mà người dân chúng tôi đã ý thức rõ hơn về quyền lợi gắn với trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ rừng. Số tiền được nhận hàng năm, đã một phần giúp chúng tôi cải thiện cuộc sống, lo cho con cái ăn học. Tôi mừng lắm!”
Ông Đao Văn Thếm, ở bản Nậm Củm 2, xã Mường Tè chia sẻ: “từ khi được phổ biến và triển khai chính sách này, người dân trong bản không còn chặt phá rừng làm nương rẫy, lấy củi tươi, không đốt rừng…Nhờ rừng, đời sống bà con ngày càng được cải thiện và từ đó ý thức bảo vệ rừng nâng cao”.
Năm 2012, huyện Mường Tè bắt đầu triển khai thực hiện chính sách cho trả dịch vụ môi trường rừng. Từ năm 2012 đến hết năm 2018, việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân trong huyện do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Tè chi trả.
Từ năm 2019, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Tè chịu trách nhiệm chi trả đối với diện tích rừng phòng hộ, còn diện tích rừng sản xuất thì do các xã, thị trấn đảm nhiệm việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân.
Được giao quản lý khoảng 77000ha rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Tè chủ động ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với các bản trong huyện theo từng năm.
Những năm qua, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường đặc biệt chú trọng đến việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân, đảm bảo đúng đủ diện tích.
Ban thực hiện chi trả đến từng hộ gia đình, chứ không chi trả cho người đại diện của bản đứng ra ký hợp đồng nhận khoán. Vấn đề này được người dân ủng hộ, nhất trí cao.
Theo ông Hoàn, từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đến nay, số tiền mà người dân các bản được nhận năm sau cao hơn trước. Hằng năm, hàng nghìn hộ dân ở các bản của huyện Mường Tè được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng. Được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân trong huyện tích cực tham gia bảo vệ rừng. Nhờ đó những cánh rừng trên địa bàn huyện ngày càng phát triển xanh tốt, tình trạng cháy rừng hay chặt phá rừng làm nương rẫy giảm rõ rệt. Đến thời điểm này, tỷ lệ độ che phủ rừng của huyện Mường Tè đạt hơn 65,06%.
Có thể thấy, chính sách chi trả DVMTR đã mang lại "lợi ích kép" cho bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng và bên cung ứng rừng. Đồng thời cải thiện cuộc sống cho người dân, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm, Ban QLRPH huyện tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền đến các nhóm hộ, cộng đồng dân cư về Luật Lâm nghiệp, đặc biệt là các hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, ông Hoàn nói
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận