Trắng đêm cùng nhân viên hotline thông tin cứu hộ miền Trung
990 trường hợp được cập nhật, 120 ca đã được cứu hộ thành công, 2.000 tình nguyện viên tham gia, đó là thành quả sau 5 ngày đi vào hoạt động của hệ thống thông tin cứu hộ miền Trung http://cuuhomientrung.info.
- 2-3 đợt lũ lớn tập trung tại các tỉnh khu vực Trung, Nam Trung Bộ
- Các nhà máy thủy điện trên bậc thang sông Đà đủ điều kiện chống lũ năm 2020
- Bão số 8 còn cách Hoàng Sa 300km, sẽ giảm cấp khi vào biển Hà Tĩnh - Quảng Trị
Tình nguyện viên dự án Hệ thống công nghệ http://cuuhomientrung.info/ túc trực 24/24h để cập nhật trên hệ thống và tiếp nhận điện thoại từ người dân yêu cầu cứu hộ
2h sáng, chuông điện thoại rung lên từng hồi. Trang Linh nhấc máy, đầu dây bên kia, một giọng đàn ông miền Trung, vừa nói vừa thở gấp "Cứu... Ở đây có một sản phụ chuyển dạ sắp sinh. Tôi đang ở Quảng Hải, xung quanh toàn nước là nước, nửa đêm rồi không gọi được chiếc xuồng nào hết. Làm ơn cứu vợ tôi...".
Trang Linh nhanh chóng nhập liệu thông tin vào trang web http://cuuhomientrung.info/, gắn nhãn thông tin "cần ứng cứu gấp".
Chỉ vài giây sau, thông tin cập nhật ngay lên web, Minh Quang, một tình nguyện viên khác, lập tức tiếp nhận, liên hệ ngay với các đoàn cứu hộ đang có mặt tại Quảng Hải (Quảng Bình).
Lúc này đã là 2h10, cả Trang Linh và Minh Quang đều biết rằng, mạng sống của hai mẹ con sản phụ đang được tính bằng phút, bằng giây.
Mọi nỗ lực đổ dồn về những cuộc điện thoại giữa đêm cho đội cứu hộ và cả tỉnh, huyện đoàn. "Chúng tôi cần thông tin kỹ hơn về địa chỉ cần cứu hộ" - thành viên "biệt đội canô 0 đồng" phản hồi. Trang Linh lại gọi điện cập nhật cùng gia đình người dân.
2h15, đoàn canô xuất phát giữa đêm. Xung quanh mênh mông toàn là nước, trời tối đen như mực. Mọi người đều biết rằng, lựa chọn xuất phát bây giờ nắm phần nhiều nguy hiểm. Nhưng tình người khiến họ không thể ngồi yên.
Ở đâu đó giữa dòng nước lũ, có người đang hy vọng, có người đang đợi chờ. Anh Tuấn, bằng kinh nghiệm lái canô đã gần 10 năm nay, nắm chặt tay lái, động viên 2 người đi cùng vững tâm hơn và giữ an toàn khi di chuyển.
Đầu bên này, Trang Linh vẫn cập nhật với gia đình thường xuyên. 6h sáng, cuộc gọi đến, là số máy của người chồng hôm qua. "Mẹ tròn con vuông rồi em ơi, gia đình không biết nói gì hơn, đội ơn mọi người nhiều".
Trang Linh không giấu được nụ cười tươi, thở phào nhẹ nhõm. Không quên đổi trạng thái trên hệ thống thành "đã ổn", Trang Linh vươn vai, lại một đêm thức trắng.
Đó là công việc diễn ra 4 đêm qua của Trang Linh, Minh Quang cũng như 30 tình nguyện viên trực hotline đang thực hiện dự án Hệ thống công nghệ http://cuuhomientrung.info/.
Mưa bão, lũ lụt đã khiến nhiều gia đình, trẻ nhỏ gặp nhiều khó khăn
Những giọt nước mắt xúc động dọc đường
Là một trong những thành viên đầu tiên tham gia dự án, chị Nguyễn Lê Dung (TP.HCM) - điều phối tình nguyện viên liên hệ người dân - chia sẻ: "Phải tự mình tham gia mới thấy có những câu chuyện mà đến bây giờ, cảm xúc của mình vẫn còn nguyên vẹn và đầy xúc động".
Không được ăn uống đủ chất, con khóc ròng cả ngày lẫn đêm, chị cứ nhìn vào dòng nước lũ mà sốt ruột. "Xung quanh là nước, nhà không có gì ăn khiến tôi ám ảnh cả đời" - chị Nhung nói ngắt quãng trong tiếng nấc.
Xung quanh xóm đều là nhà cấp 4 ngập trong biển nước. Người nhà chị Nhung cố gắng kê hết đồ đạc trong nhà lên cao, cho hai mẹ con có chỗ trú an toàn. Các đoàn cứu hộ lúc này chỉ có thể đi cứu hộ ở vùng ngoài, không vào được vùng Lệ Thủy vì nước lũ lớn, lại chảy xiết, vô cùng nguy hiểm.
"Tôi van các anh, các chị, làm ơn nghĩ cách giúp tôi" - tiếng chị Nhung cứ tan dần, tan dần trong tiếng khóc. Vài tiếng sau, một đoàn cứu hộ cũng vào được đến nơi. Cầm túi đồ cứu trợ trên tay, có cả sữa cho em bé và đồ ăn mặn, chị Nhung chỉ biết nghẹn ngào: "Em sẽ ghi nhớ suốt đời".
"Hệ thống không chỉ ghi nhận thông tin cứu hộ từ người dân mà còn giúp đỡ cho các đoàn cứu hộ, cứu nạn có thể phân bố được lực lượng để có thể đến với những vùng chưa được cứu trợ. Thậm chí, hệ thống còn giúp cả những đoàn cứu hộ nhưng bị gặp nạn dọc đường" - chị Nguyễn Lê Dung, điều phối viên dự án, cho biết.
9h tối 21-10, hệ thống nhận được thông tin từ một đoàn cứu hộ đi vào khu vực Lệ Thủy vào lúc trời tối. Nước bắt đầu dâng lên, xe cứu hộ không di chuyển được, xung quanh cũng không có nhà dân. Một thành viên trong đội cứu hộ đăng tin lên hệ thống kêu cứu, tình trạng khẩn cấp.
"Chúng tôi ngay lập tức gọi lên tỉnh đoàn xin viện trợ, đồng thời giữ liên lạc với những người trong đoàn cứu trợ. Nhưng nước ngày càng lên cao dần, mọi người trong đoàn bắt đầu hoảng loạn và la hét, chúng tôi vừa phải nhanh chóng liên hệ để cứu trợ, vừa phải trấn an tinh thần mọi người trong đoàn.
12h, gọi điện thoại lại cho đoàn, tất cả đều đồng loạt không liên lạc được vì hết pin. Ai nấy đều lo lắng. Chúng tôi phải gửi lời kêu cứu đến tất cả các đoàn cứu hộ đang có mặt ở Lệ Thủy lúc đó.
Hơn 12h, một đoàn cứu hộ đã bắt đầu di chuyển. Đến 12h30, chúng tôi nhận được thông tin đã cứu hộ được an toàn cả đoàn. Những giọt nước mắt lăn dài trong đêm" - chị Dung hồi tưởng.
"Nhưng ám ảnh chúng tôi nhất, có lẽ là hoàn cảnh của cụ ông 90 tuổi ở Quảng Bình. Nước lũ lên, chỉ có mình ông ở nhà. Con cháu cụ gọi điện cho chúng tôi cầu cứu. Chúng tôi nhanh chóng xử lý và liên hệ đoàn cứu hộ đến.
Nhưng khi tìm được nhà cụ, vào nhà, chỉ còn ông cụ nằm co quắp trên chạn. Cụ ông bị tai biến và đã ra đi, một mình cô quạnh, không con cháu, co ro giữa dòng nước lũ" - chị Dung nghẹn ngào.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận