Sự kết hợp đầy táo bạo giữa nghệ thuật và công nghệ tại triển lãm 'Dị diện - Peculiar Interfaces'
Trung tâm nghệ thuật The Outpost đem tới cho công chúng không gian nghệ thuật để làm rõ sự hiện diện của phương tiện kỹ thuật số trong bối cảnh hàng ngày. “Dị diện” hay giao diện dị biệt - nơi máy móc thông minh và công nghệ kỹ thuật số là ứng dụng chủ đạo tạo nên thẩm mỹ cho các tác phẩm.
- 'Quantum' - Tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số đầu tiên được đấu giá lên đến gần 1,5 triệu USD
- AI "lấn sân" hội họa, nghệ thuật AI có phải là nghệ thuật đích thực?
- Bức tranh số đắt đỏ nhất thế giới : Ảo vọng về nghệ thuật hay thẩm mỹ mới?
Triển lãm “Dị diện” được tổ chức tại Trung tâm nghệ thuật The Outpost phố Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Với sự tham gia của nhiều gương mặt và nhóm nghệ sĩ hàng đầu trong nước và quốc tế: Ryoji Ikeda (Nhật Bản), Shinseungback & Kimyonghun (Hàn Quốc), Nguyễn Hoàng Giang (Việt Nam),… “Dị Diện” hứa hẹn sẽ trở thành triển lãm quan trọng nhất cho đến nay về nghệ thuật phương tiện mới ở Việt Nam.
Qua tác phẩm của 08 nghệ sĩ và nhóm nghệ sĩ, “Dị diện” mở ra những đối thoại về 4 chủ đề chính bao gồm: Một hiện thực hỗn lai (theo đó, thế giới thực và ảo ngà càng đan xen khôn lường), hay ý nghĩa của dữ liệu trong thời đại của thuật toán, chủ nghĩa hậu nhân bản và sự kết nối, cảm thông, đồng thời giải nén các ý tưởng về ký ức số.
Tác phẩm “Speculum - Soi chiếu” của nghệ sĩ SMACK (Hà Lan) đã dẫn dắt người xem từ hành trình tìm kiếm khám phá khoa học đến sự đam mê công nghệ xâm lấn và tự ám ảnh thông qua những hình ảnh hoạt hình 3D diễn ra không ngừng nghỉ, như thể mỗi nhân vật bị mắc kẹt trong vòng lặp của riêng họ.
Chuỗi chân dung hoạt hình của các nhân vật từ Thiên đàng đến Địa ngục (từ trái sang phải)
Lấy cảm hứng từ sức mạnh ngôn từ, tác phẩm tương tác này khám phá ý nghĩ, kỳ vọng cũng như mối quan hệ phức tạp của chúng ta với Trí tuệ nhân tạo (AI). Trong tác phẩm “Appropriate Respone – Phản hồi thích đáng”, Mario Kingerman đã nâng cấp mạng lưới nơron nhân tạo GPT-2, tích hợp thêm 60.000 châm ngôn/ trích dẫn để tối ưu hoá một mô hình trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo các thông điệp ngắn.
Những tác phẩm được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: animation đa chiều, video kết hợp âm thanh, trình diễn, tranh vẽ sơn dầu, bảng lật chữ cái,…
Tác phẩm “Nonfacial Portrait - Chân dung vô diện” của bộ đôi nghệ sĩ người Hàn Quốc đã vẽ chân dung một người mà không bị Trí tuệ nhân tạo (AI) nhân diện. Trong quá trình làm việc, tấm toan được theo dõi bởi một camera có trang bị ba thuật toán nhận diện khuôn mặt. Các hoạ sĩ sẽ được thông báo nếu hệ thống nói trên xác định được mặt người.
Khát vọng chế tạo những cỗ máy giống con người đã thôi thúc nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Giang nghiên cứu cách robot được huấn luyện để hoàn thành những công việc vốn của con người được thể hiện qua tác phẩm “Human Learning”.
Tác phẩm Afterccloud của Aremunari Ee là suy nghiệm về ranh giới sự sống và cái chết, sự đan chồng giữa không gian thực và ảo, cũng như ý niệm về thời gian.
Các tác phẩm trong triển lãm “Dị diện – Peculiar Interfaces” không chỉ đơn thuần là những tác phẩm nghệ thuật, mà còn là những trải nghiệm tương tác độc đáo và đầy sáng tạo. Từ việc khám phá không gia triển lãm đến trải nghiệm tương tác với giao diện tự động, triển lãm này mở ra một thế giới nghệ thuật hiện đại đầy sáng tạo. Người xem được kích thích sự tò mò, khám phá và suy ngẫm về mối quan hệ giữa con người và công nghệ trong thời đại hiện nay. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 23/07.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận