Bệnh Alzheimer và cách chẩn đoán sớm
Dự án chẩn đoán Alzheimer của TS Hà Thị Thanh Hương (Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa đạt giải thưởng Early Career Award của Tổ chức quốc tế nghiên cứu về khoa học thần kinh, mở ra cơ hội chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn bệnh Alzheimer.
- Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng thẻ khám bệnh "2 trong 1"
- Bệnh viện thông minh - Mục tiêu trọng tâm của nền Y tế số
TS Hà Thị Thanh Hương (trái) và cộng sự đang thực nghiệm chẩn đoán Alzheimer. Ảnh: Nguyễn Ngọc
TS Hà Thị Thanh Hương (31 tuổi) - trưởng bộ môn kỹ thuật mô và y học tái tạo, khoa kỹ thuật y sinh Trường đại học Quốc tế - là một trong 15 nhà nghiên cứu trẻ trên toàn thế giới được trao giải thưởng Early Career Award (giải thưởng dành cho các giáo sư trẻ) năm nay của Tổ chức quốc tế nghiên cứu về khoa học thần kinh có trụ sở tại Pháp.
Lời giải cho bài toán về bệnh thần kinh
Năm 2018, Hà Thị Thanh Hương tốt nghiệp tiến sĩ ngành thần kinh học tại Đại học Stanford (Mỹ), lập tức trở về Việt Nam nhằm tìm kiếm những giải pháp cho các bài toán liên quan tới não bộ, góp phần tăng cao sức khỏe trí tuệ và tinh thần của người Việt Nam.
Từ khảo sát ban đầu, TS Hà Thị Thanh Hương xác định có hai bài toán lớn về bệnh não bộ có thể giải quyết được dựa trên kiến thức mình đã học. Đầu tiên là nhóm những căn bệnh liên quan đến stress - căn nguyên của nhiều bệnh như rối loạn lo âu, trầm cảm.
Nhóm bệnh thứ hai hiện chưa phải là nỗi lo lớn trong bối cảnh y tế VN, nhưng trong chục năm tới khả năng sẽ là gánh nặng cho ngành y tế, đó là các bệnh lão hóa, cụ thể hơn là bệnh Alzheimer.
Theo chị, Alzheimer là căn bệnh gây tử vong cao nhất ở người lớn tuổi. Chỉ trong vòng 5-7 năm vừa qua, Alzheimer từ vị trí thứ 7 đã lên vị trí thứ 5 trong số các nguyên nhân gây tử vong ở người cao tuổi.
Hơn nữa, trong bối cảnh già hóa dân số ở VN, hướng nghiên cứu về Alzheimer ngày càng trở nên cấp thiết.
"Dự án này nhằm giúp mọi người sớm biết được tình trạng bệnh Alzheimer, có cách chăm sóc và điều trị hiệu quả, giảm chi phí điều trị. Phương hướng mà nhóm đang tập trung nghiên cứu là tìm các phương pháp giúp chẩn đoán sớm, chính xác căn bệnh này" - TS Thanh Hương chia sẻ.
Phát triển công cụ chẩn đoán
Tháng 3/2019, TS Thanh Hương bắt tay nghiên cứu công trình này cho đến nay. Để thực hiện dự án nghiên cứu trong thời gian ngắn nhất, TS Thanh Hương thành lập nhóm nghiên cứu Brain Health Lab (Phòng thí nghiệm sức khỏe não bộ) và "rủ rê" một số đồng nghiệp, các nhà nghiên cứu trẻ khác gồm TS Trần Tiến Tài (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), một cử nhân công nghệ sinh học và hai sinh viên khoa kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế.
Còn hướng chẩn đoán hình ảnh với mô hình trí tuệ nhân tạo, chị làm cùng hai giảng viên trong khoa là TS Ngô Thanh Hoàng và TS Ngô Thị Lụa, TS Nguyễn Thanh Đức (đang ở Hàn Quốc) và một nhóm các bạn thạc sĩ, sinh viên...
Khi đi sâu tìm hiểu vấn đề này, nhóm biết được trên thế giới hiện đã có một số công cụ phục vụ chẩn đoán bệnh Alzheimer được tổ chức FDA Hoa Kỳ công nhận (chích dịch não tủy để xét nghiệm, chụp ảnh não bằng PET), nhưng những kỹ thuật này ở VN chưa thực hiện được do rất đắt tiền và xâm lấn nhiều.
Điều này đặt ra cho nhóm nghiên cứu hướng tiếp cận thực hiện với giá thành rẻ hơn và ít xâm lấn hơn. TS Trần Tiến Tài, thành viên nhóm nghiên cứu, chia sẻ: "Khó khăn đầu tiên nhóm gặp phải khi bắt tay thực hiện công trình này ngoài kinh phí thì còn có việc tiếp cận nguồn mẫu bệnh nhân.
Mặc dù nhóm được hỗ trợ nhiệt tình từ các bác sĩ ở đơn vị trí nhớ và sa sút trí tuệ Bệnh viện 30/4 và bộ môn lão của Trường ĐH Y dược TP.HCM nhưng quy trình, thủ tục thực hiện nghiên cứu rất phức tạp.
Các hồ sơ y đức có rất nhiều loại giấy tờ khiến tiến độ nghiên cứu chậm đi rất nhiều. Bên cạnh đó, một khó khăn nữa là việc thực hiện một số xét nghiệm như phân tích RNA trong mẫu máu, do công nghệ khá mới nên phải gửi mẫu ra nước ngoài để phân tích".
Theo nhóm nghiên cứu, căn nguyên của bệnh Alzheimer là những thay đổi trong não bộ từ mức độ nhỏ nhất, như các phân tử trong tế bào, dẫn đến những thay đổi lớn hơn về cấu trúc ở não.
Do vậy, cần xác định những thay đổi đó và đưa ra phương pháp điều trị. Nhóm tiếp cận từ hai hướng: thứ nhất là những "viên gạch" nhỏ xây dựng nên tế bào khi bị lung lay làm não thoái hóa, các viên gạch này sau đó sẽ đi vào máu.
"Bằng cách lấy mẫu máu để tìm hiểu những viên gạch lung lay này, nhóm có thể xác định nguy cơ người bị bệnh Alzheimer" - sinh viên Lê Phúc Hoàng Anh, Trường ĐH Quốc tế, cho biết thêm. Thứ hai là xem toàn bộ bộ não thông qua ảnh chụp MRI.
Tuy nhiên, đối với chụp MRI ở VN thông thường chỉ xác định được bệnh nhân có bị bệnh về mạch máu não hoặc u não hay không, chứ chưa được sử dụng thường quy để chẩn đoán Alzheimer.
Mô hình chẩn đoán ứng dụng trí tuệ nhân tạo
TS Ngô Thanh Hoàn cho hay: "Những dấu hiệu thay đổi ở giai đoạn sớm bệnh Alzheimer rất khó phát hiện bằng mắt thường. Do vậy, nhóm nghĩ đến việc làm hệ thống trí tuệ nhân tạo. Nhóm sử dụng nguồn dữ liệu có sẵn trên thế giới để huấn luyện cho mô hình trí tuệ nhân tạo học được cách phát hiện khác biệt trong những hình ảnh MRI của bệnh nhân Alzheimer.
Từ đó, nhóm phát triển thành công cụ phát hiện khác biệt giữa người bình thường với người mắc bệnh Alzheimer với độ chính xác lên đến 97%. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cải tiến mô hình để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm hơn".
Mô hình chẩn đoán ứng dụng trí tuệ nhân tạo này của nhóm cũng lọt vào top 20 của cuộc thi Đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo do Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM tổ chức.
Theo TS Thanh Hương, những công cụ do nhóm phát triển trong tương lai chủ yếu phục vụ cho cán bộ y tế sử dụng. Tuy nhiên, nhóm cũng đang mong muốn phát triển những công cụ để người bình thường có thể sử dụng.
Đó là một số phép tính toán để xác định khả năng tính toán của người cao tuổi, phân tích giọng nói... Người tham gia trả lời các bảng câu hỏi để đánh giá mức độ nhận thức. Trong tương lai, các công cụ này sẽ được đưa đến tận tay người lớn tuổi thông qua app điện thoại để ai cũng có thể tự sàng lọc mức độ bệnh của mình ngay tại nhà.
Mang lại hi vọng cho bệnh nhân
Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, với dự án này trong tương lai gần sẽ có một số thay đổi mang tính tích cực, người bệnh về thần kinh được chẩn đoán một cách chính xác với giá thành thấp, nhiều người được chẩn đoán hơn để điều trị sớm.
Khi có công cụ chẩn đoán với chi phí thấp và phổ biến sẽ giúp nhận biết được rõ ràng tình trạng Alzheimer ở VN, phân bố bệnh và những người nào dễ mắc bệnh. Dưới góc độ y học cộng đồng, những thông tin này rất quan trọng để đưa ra chương trình phòng ngừa bệnh.
Thuốc điều trị bệnh Alzheimer chưa có tính đặc hiệu cao, để tham gia vào những chương trình thử nghiệm lâm sàng trên thế giới, bệnh nhân phải được chẩn đoán chính xác.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận