Tình hình vắc-xin trên thế giới ra sao sau gần 2 năm bị dịch COVID-19 'công phá'
Trong hơn 2 năm kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19, vắc-xin luôn được xem là giải pháp "cứu cánh" hiệu quả đối với các quốc gia để chống lại đại dịch và thế giới cũng đã có những "vũ khí" chống dịch bên cạnh những sinh phẩm y tế vẫn còn đang trong quá trình thử nghiệm hay nghiên cứu phát triển.
- Bộ Y tế thông tin về tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19
- Cán bộ công nhân viên EVNNPT đóng góp 3 tỉ đồng ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19
- Danh sách 36 đơn vị được Bộ Y tế cho phép nhập vắc-xin phòng COVID-19
Trong 2 năm đã có 90 loại vắc-xin được thử nghiệm
Gần 2 năm sau khi dịch COVID-19 bùng phát, đến nay đã có hơn 90 loại vắc-xin đang được các nhà nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên người, trong đó có 30 loại đạt đến giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và ít nhất 77 loại vắc-xin tiền lâm sàng đang được thử nghiệm tích cực trên động vật.
Tính đến nay, khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 với hơn 3,4 tỉ mũi và hơn 25% dân số toàn cầu đã được tiêm. Tuy nhiên thống kê cho thấy, tỉ lệ tiêm vắc-xin COVID-19 đang có sự khác biệt rõ ràng giữa các châu lục.
Các loại vắc-xin đang được lưu hành trên thế giới đã bước đầu thu được hiệu quả.
Khoảng 85% số liều vắc-xin COVID-19 đã được tiêm trên toàn cầu thuộc các quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao; ở các nước có thu nhập thấp, con số này chỉ đạt 0,3%.
Tính đến ngày 30/6, 11,04% dân số đã tiêm đủ liều vắc-xin và 12,63% tiêm một mũi. Một số nước có tỉ lệ tiêm đủ liều vắc-xin cho nhân dân cao như Mỹ 46,61%, Anh 48,68%, Mông Cổ 53,39%, Israel 57,2%.
Tính theo khu vực, tỉ lệ người dân đã tiêm đủ liều vắc-xin (2 mũi) ở châu Âu là 25,8% dân số, ở Bắc Mỹ là 32,87%, trong khi ở châu Á là 8,22%. Còn trong các nước ASEAN thì Singapore có tỉ lệ tiêm đủ liều vắc-xin cao nhất là 35,8%, kế đó là Campuchia 18,24%, còn tất cả 8/10 nước còn lại không quá 8%.
Châu Phi đang có tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin COVID-19 chậm nhất so với các châu lục khác. Từ đầu tháng 3/2021, các lô hàng vắc-xin đầu tiên đã chuyển giao tới 41 quốc gia châu Phi thông qua hệ thống COVAX (nhằm đảm bảo các quốc gia nghèo có thể tiếp cận với vắc-xin), nhưng mới có 9 quốc gia được tiêm chủng, chưa đến một phần tư số liều nhận được và 15 quốc gia khác đã tiêm được 50% số liều nhận được.
Cộng hòa Dân chủ Congo, quốc gia ở Trung châu Phi, có tỉ lệ tiêm chủng <0,1%, tổng số liều tiêm là 23.197; Burkina Faso, quốc gia thuộc Tây Phi, có tỉ lệ tiêm chủng <0,1%, hiện chỉ có 200 liều tiêm.
Việc hoãn cung cấp các liều vắc-xin COVID-19 do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất dành cho châu Phi, cũng như việc triển khai tiêm chủng vắc-xin chậm và sự xuất hiện của các biến thể mới, đang làm dấy lên nguy cơ bùng phát một làn sóng dịch bệnh mới vẫn ở mức cao ở châu Phi.
Tiêm vắc-xin - Giải pháp Việt Nam tấn công dịch COVID-19
Tại Việt Nam, cùng với các biện pháp phòng, chống mạnh mẽ: Phát hiện-Cách ly-Khoanh vùng-Dập dịch-Điều trị, một trong những chủ trương căn bản, mang tính chiến lược để đưa cuộc sống trở lại bình thường là mọi người dân đều được tiếp cận vắc-xin phòng COVID-19.
Quan điểm chỉ đạo thống nhất của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chính là bằng các giải pháp tiếp cận vắc-xin COVID-19 sớm nhất, bảo đảm cung cấp cho người dân một cách rộng rãi nhất.
Vắc-xin Việt Nam tự sản xuất đang ở trong những bước thử nghiệm cuối cùng trước khi xin cấp phép.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 1271 năm 2021, theo đó, UBTVQH quyết nghị sử dụng 12,1 nghìn tỉ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vắc-xin phòng dịch COVID-19.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP thông qua chủ trương thành lập Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19.
Ngay sau đó, Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19 được ban hành, nêu rõ nhiệm vụ của quỹ sẽ tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vắc-xin của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin; nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân. Và tối ngày 5/6/2021, Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19 đã được ra mắt tại Hà Nội.
Tiếp đó, lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19 toàn quốc đã diễn ra vào ngày 10/7 vừa qua. Việt Nam đặt mục tiêu đạt được 150 triệu liều vắc-xin COVID-19 cho 70% dân số đến hết quý I/2022.
Hiện Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện 6 loại vắc-xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 gồm: vắc-xin Astra Zeneca; vắc-xin Sputnik; vắc-xin Pfizer; vắc-xin Vero Cell; vắc-xin Spikevax (Tên khác là: COVID-19 vắc-xin Moderna) và vắc-xin Janssen.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, đàm phán với các tập đoàn, công ty để sớm tiếp cận được các nguồn vắc-xin COVID-19. Đến nay, Bộ đã đàm phán thành công với các đối tác AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, và COVAX Facility.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã cam kết và ký hợp đồng mua khoảng 124 triệu liều vắc-xin; trong đó có 38,9 triệu liều do COVAX tài trợ, 30 triệu liều Astra Zeneca ký hợp đồng với Công ty cổ phần vắc-xin Việt Nam VNVC, 31 triệu liều Pfizer ký với Chính phủ, 5 triệu liều Moderna ủy quyền cho Công ty Zuellig Pharma Việt Nam.
Cùng với đó, Tập đoàn T&T đang đàm phán mua 40 triệu liều Sputnik-V từ Quỹ đầu tư trực tiếp Nga. Bộ Y tế cũng được Liên bang Nga cam kết hỗ trợ miễn phí 20 triệu liều Sputnik-V; đang đàm phán mua 15 triệu liều Covaxin của Ấn Độ, Trung Quốc hỗ trợ 500 nghìn liều Vero Cell của Sinorpharm…
Nhờ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị vào cuộc, đến nay, Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng bước đầu với 9 triệu liều vắc-xin có mặt ở Việt Nam, hơn 4 triệu người dân được tiêm vắc-xin, trong đó 290 nghìn người được tiêm mũi thứ hai.
Những thành công bước đầu trong chiến lược tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho người dân là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh cho người dân Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch để cùng nhau chiến thắng đại dịch, từng bước phục hồi nền kinh tế đất nước.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận