Mỗi tháng Việt Nam có từ 100 - 300 cuộc tấn công DDoS chiếm băng thông hơn 1 Gbps/s
Theo ghi nhận từ hệ thống kỹ thuật của Viettel Cyber Security, hàng tháng tại Việt Nam có từ 100 - 300 cuộc tấn công DDoS chiếm băng thông hơn 1 Gbps/s. Cục An toàn thông tin cũng cho biết tấn công DDoS có xu hướng gia tăng.
- Viettel Cyber Security xây hệ sinh thái an toàn thông tin Make in Vietnam, quyết nhắm vị trí số 1 tại Việt Nam
- Cảnh báo các cuộc tấn công DDoS đã tăng từ 5,9 triệu lên 15,4 triệu
- Một cuộc tấn công DDoS ngắn có thể gây thiệt hại nghiêm trọng
Chia sẻ tại Vietnam Security Summit 2022, ông Phạm Anh Tuấn, thành viên Hội đồng quản trị Vietcombank đã nhấn mạnh, ngân hàng luôn luôn là mục tiêu mà tội phạm mạng rất ưa thích, với đích đến là tiền và dữ liệu.
Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số là yếu tố sống còn của các ngân hàng. Tham gia vào hệ sinh thái ngân hàng số, có 3 chủ thể là ngân hàng, khách hàng và các đơn vị cung cấp dịch vụ liên kết với ngân hàng.
Cả ba chủ thể này luôn sẵn sàng là đối tượng tấn công của tội phạm mạng. Với ngân hàng, đó là các điểm yếu trong hạ tầng công nghệ, kết nối. Với khách hàng, là tấn công qua email giả danh, đường link giả mạo. Còn với đơn vị bên thứ ba, đó là điểm yếu của các sản phẩm, dịch vụ mà các công ty này liên kết với ngân hàng để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Chuyển đổi số cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải cung cấp, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ trên kênh số; đa dạng các phương thức giao tiếp giữa ngân hàng và người dùng. Điều này cũng có nghĩa là kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ ngày càng đa dạng. “Cũng vì thế, bề mặt để bị tấn công sẽ ngày càng lớn. Các rủi ro cũng như những thiệt hại nếu bị tấn công và khai thác là điều tất yếu sẽ xảy ra”, ông Phạm Anh Tuấn nhận định.
Ở góc độ của nhà cung cấp giải pháp an toàn thông tin mạng, trao đổi tại hội nghị bàn tròn cấp cao Lãnh đạo CNTT và An toàn thông tin năm 2022 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Sơn Hải, Giám đốc Viettel Cyber Security cũng cho rằng, chuyển đổi số với các công nghệ mới cũng mang đến những rủi ro mới.
Theo phân tích của ông Hải, trong thời kỳ chuyển đổi số, bùng nổ các ứng dụng, bề mặt tấn công đã trở nên vô cùng phức tạp. Đơn cử như, lỗ hổng trong phần mềm Apache Log4j (một thư viện ghi log trong Java, tồn tại trong nhiều ứng dụng, được sử dụng phổ biến trong các hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp lớn - PV). Lỗ hổng này được công bố tháng 11/2021 và đã ảnh hưởng tới 5 triệu ứng dụng toàn cầu sử dụng Apache Log4j.
Cùng với đó, tấn công mạng vào chuỗi cung ứng cũng là loại hình tấn công nổi lên trong 2 năm gần đây và có xu hướng gia tăng mạnh. Điển hình là sự cố tấn công SolarWinds - một phần mềm giám sát hạ tầng dành cho NOC được sử dụng phổ biến trên thế giới và cả ở Việt Nam. Cuộc tấn công SolarWinds bắt đầu từ năm 2019 nhưng đến năm 2021 mới được phát hiện và gây ảnh hưởng tới khoảng 18.000 khách hàng, bao gồm Chính phủ và các công ty lớn tại Mỹ.
Bên cạnh xu hướng tấn công mạng vào hạ tầng đám mây, chuyên gia Viettel Cyber Security đặc biệt lưu ý đến tấn công DDoS (tấn công từ chối dịch vụ phân tán - PV) qua các thiết bị IoT.
Ông Nguyễn Sơn Hải phân tích, khi chuyển đổi số, chúng ta muốn tự động hóa, quản lý từ xa, các thiết bị IoT được đưa vào sử dụng trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. IoT bùng nổ đưa đến nguy cơ tấn công DDoS tăng trưởng mạnh. Trên thế giới, quy mô của các cuộc tấn công DDoS ngày càng lớn. “Còn tại Việt Nam, theo ghi nhận từ hệ thống giám sát của Viettel Cyber Security, hàng tháng có từ 100 - 300 cuộc tấn công DDoS chiếm băng thông lớn hơn 1 Gbps/s. Cuộc tấn công lớn nhất chúng tôi ghi nhận được là khoảng 90 Gbps/s”.
Liên quan đến tấn công DDoS, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, hình thức tấn công này đã được dự đoán tăng gấp đôi, từ con số 7,9 triệu vụ được phát hiện vào năm 2018 tới hơn 15 triệu vụ trong năm 2023. Trung bình, mỗi giờ ngừng truy cập Internet các tổ chức, doanh nghiệp sẽ thiệt hại khoảng 300.000 USD tới 1 triệu USD. Vì thế, chỉ cần một cuộc tấn công DDoS ngắn cũng gây thiệt hại nghiêm trọng.
Mặc dù nguy cơ tấn công mạng không ngừng gia tăng, song theo các chuyên gia vẫn nhiều doanh nghiệp còn “bỏ qua” vấn đề bảo mật, an toàn thông tin mạng trong chuyển đổi số.
Theo phân tích của ông Robert Trọng Trần, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn, Lãnh đạo mảng Rủi ro, Công nghệ và An ninh mạng EY Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng trên là do thiếu hụt ngân sách an toàn thông tin; áp lực thời gian trong việc phát triển và vận hành phần mềm nhanh để đáp ứng nhu cầu thị trường, chiến lược kinh doanh và do tư duy phát triển phần mềm cho rằng việc dành thời gian tìm hiểu về bảo mật không trực tiếp góp phần xây dựng các tính năng mới và đưa sản phẩm ra thị trường…
Nhận định an toàn thông tin mạng vẫn đang đi sau chuyển đổi số, đại diện Viettel Cyber Security nêu dẫn chứng, theo nghiên cứu của Anomali, chỉ 24% lãnh đạo an toàn thông tin của các doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số; 29% tổ chức thực sự chuẩn bị cho những nguy cơ liên quan đến chuyển đổi số.
Theo Ictnews
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận