"Chơi tiền ảo" - Khi lòng tham lớn hơn sự hiểu biết
Bất chấp cảnh báo từ nhiều chuyên gia kinh tế và những bài học trước đây về sự lừa đảo, đa cấp của những sàn giao dịch tiền ảo, không ít người Việt Nam vẫn liều lĩnh lao vào làm giàu bằng cách “chơi tiền ảo”, kể cả người chưa hay biết gì về bản chất của loại hàng hoá "tưởng tượng" này.
- Facebook công bố 21 thành viên của liên minh tiền ảo Libra
- "Đặt cược" vào các công ty công nghệ và tiền ảo đã giúp các quỹ đầu tư thắng lớn
- "Cha đẻ" của phần mềm diệt virus McAfee đối mặt với tội danh lừa đảo với hành vi "thổi giá" tiền ảo
Buổi học của những ‘tỉ phú’
Tại Việt Nam, những buổi thuyết trình, khóa học về bí quyết kiếm hàng chục tỷ đồng từ tiền kỹ thuật số đang diễn ra sôi động, bỏ qua các cảnh báo từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, báo chí...
Số lượng người giàu lên bất thường chỉ từ phát hành, “đào” và giao dịch các đồng tiền kỹ thuật số cũng khiến nhiều chuyên gia kinh tế và luật pháp đặt nghi vấn về những hình thức lừa đảo đa cấp trá hình ẩn sau nó.
Bước một, các đối tượng dụ dỗ nạn nhân bỏ tiền thật để mua các đồng tiền ảo phổ thông trên thị trường như Bitcoin, Ethereum, Ripple. Sau đó, những nạn nhân này này tiếp tục dùng Bitcoin để mua lại những “đồng tiền kỹ thuật số mới”.
Sau khi nhận được những đồng tiền kỹ thuật số vô giá trị này, nạn nhân được lựa chọn giữa hai phương án: rao bán hoặc đầu cơ (lending). Nếu tham gia đầu cơ, nạn nhân sẽ được dự án hứa hẹn trả lợi nhuận theo mô hình đa cấp với lãi suất cao bất thường 15-30% một tháng.
Thực chất, đây vẫn là trò lừa đảo truyền thống (lấy tiền đầu tư của người sau để trả cho người trước). Khi thu đủ lợi nhuận từ các nạn nhân, các đối tượng sẽ đánh sập sàn và chiếm đoạt.
Mời chào công khai trên các trang mạng, tiền đẻ ra tiền
Những hình ảnh này chắc không còn quá xa lạ với nhiều người. Cách thức lôi kéo, dụ dỗ, chốt hạ các nạn nhân bằng những bài đăng hàng ngày như: liên tục khoe xe, khoe tiền, nói đạo lý, …
Theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác), theo đó các sàn đầu tư tài chính trên đều không được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Do đó, các tổ chức cá nhân tham gia, vận động người tham gia đầu tư thông qua các sàn đầu tư tài chính này đều có thể bị xử lý hình sự (xử phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam theo điều 217a bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp).
Như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền “ảo”, nhất là sau những biến tướng đang diễn ra rất khó lường trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, trước khi trông chờ vào sự bảo vệ của pháp luật, những nạn nhân của vòng xoáy tiền “ảo” phải tự trách mình. Bởi lẽ “tiền tự đẻ ra tiền” chỉ là câu chuyện ngụ ngôn chế giễu những kẻ tham lam.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận