EVFTA mang lại những đặc lợi và khó khăn nào?
EVFTA dự kiến sẽ có những tác động tích cực và tiêu cực nhất định tới Việt Nam, được dự báo là sẽ được nhiều rất nhiều đặc lợi về thuế quan... song với không ít doanh nghiệp, EVFTA chắc chắn mang tới những khó khăn cần phải tìm lời giải và nhanh chóng hành động.
- EVFTA mở ra cơ hội để Việt Nam vượt qua gánh nặng COVID-19
- Ngành viễn thông trong EVFTA sẽ mang lại những trải nghiệm khác biệt với người tiêu dùng
Chuyên gia Bùi Kim Thùy nhận xét, các hiệp định thương mại tự do (FTA) về bản chất thường không đối xứng. Dù các thỏa thuận này nhìn chung hứa hẹn rằng các bên sẽ cùng có lợi, nhưng điều đó không có nghĩa lợi ích sẽ luôn được chia đều. Sẽ có nhiều thay đổi xảy ra và không phải tất cả các bên liên quan đều có thể chuyển đổi một cách suôn sẻ.
Với hiệp định EVFTA, cần lường trước về việc có những người không thể chuyển đổi công việc (vì nhiều lý do như tuổi tác, điều kiện làm việc hay khả năng học kỹ năng mới) hoặc những doanh nghiệp ngừng hoạt động vì thiếu khả năng thích ứng với những xáo trộn do thay đổi gây ra.
Ông Bùi Việt Quang, Tổng Giám đốc CTCP May Sông Hồng đánh giá, với những cam kết mạnh mẽ từ cả hai bên, EVFTA hứa hẹn mang lại những cơ hội to lớn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, cạnh tranh về chi phí nhân công và nhiều yếu tố khác sẽ không bao giờ là lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam.
Ðại diện Euro Charm khuyến nghị, các nhà sản xuất càng nâng cấp sản phẩm (từ sản phẩm thô lên sản phẩm có thương hiệu) thì thu nhập của họ sẽ càng ổn định và sản phẩm của họ sẽ càng phổ biến hơn. Vậy nhưng, sản phẩm có thương hiệu lại chưa được mấy doanh nghiệp Việt quan tâm và đầu tư.
Chờ hướng dẫn từ Bộ
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) trong 2020 và các năm tiếp theo gồm 25 nhiệm vụ và chia thành 5 nhóm hoạt động trọng tâm.
Trước tiên, Cục sẽ xây dựng và trình bộ trưởng thông tư hướng dẫn về quy tắc xuất xứ hàng hóa vào tháng 6. Đồng thời, Cục còn nghiên cứu và trao đổi với các nước thành viên ASEAN và Hàn Quốc để hướng dẫn triển khai cơ chế cộng gộp mở rộng theo EVFTA.
Bên cạnh đó, Cục còn phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn hướng dẫn quy trình đăng ký chứng nhận loại gạo xuất khẩu vào EU để được hưởng ưu đãi thuế quan. Ngoài ra, việc nghiên cứu, xây dựng quy định về hàng tân trang theo cam kết cũng sẽ được thực hiện.
Thứ nữa, nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng được cơ hội từ hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu, Cục sẽ nghiên cứu thị hiếu, dư địa, cam kết của EU và khả năng sản xuất trong nước... đến từng mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh và có ưu đãi thuế nhiều nhất để đảm bảo có thể thực hiện ngay vào quý II.
Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu sẽ làm việc với hiệp hội ngành hàng để xác định rõ những mặt hàng có lợi, đề xuất biện pháp, giải pháp tháo gỡ khó khăn, khai thông thị trường khi đã có ưu đãi thuế quan.
Nhiệm vụ trọng tâm thứ ba đó là tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang EU sẽ được cơ quan chức năng theo dõi sát sao và cập nhập chính sách, biện pháp quản lý mới từ EU có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của thị trường Việt Nam. Đồng thời, việc tận dụng cam kết xuất xứ ưu đãi sẽ được cập nhật và báo cáo định kỳ.
Ngoài ra, việc tăng cường quản lý Nhà nước về công tác cấp giấy chứng nhận và chống gian lận xuất xứ hàng hóa cũng được Cục Xuất nhập khẩu coi là nhiệm vụ trọng tâm thứ năm trong kế hoạch thực thi EVFTA.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xử lý, thực hiện và rà soát về mặt kỹ thuật khi có yêu cầu về kiểm tra, xác minh xuất xứ từ phía EU trong trường hợp cần thiết. Nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, ngoài việc thực hiện chương trình nâng cao năng lực của cơ quan, tổ chức cấp C/O, Cục sẽ thành lập các đoàn trực tiếp kiểm tra, xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất của doanh nghiệp.
"Chỗ chơi" của nhà thầu nội trên sàn quốc tế?
Cùng liên quan đến Hiệp định EVFTA (với riêng lĩnh vực đấu thầu), Chương 9 về mua sắm Chính phủ (MSCP) trong Hiệp định được đánh giá có phạm vi mở cửa thị trường rộng hơn so với chương MSCP trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Điều này có nghĩa là cơ hội cũng như thách thức đối với các nhà thầu trong nước trước một thị trường mua sắm công gần 30 quốc gia cũng lớn hơn.
Theo Bản chào của Việt Nam đối với chương MSCP (Phụ lục 9B) của EVFTA, Việt Nam cam kết mở cửa mua sắm đối với 21 bộ, ngành Trung ương, một số đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng (ngoại trừ hàng hóa và dịch vụ phục vụ mục tiêu an ninh - quốc phòng), 2 địa phương là TP. Hà Nội, TP. HCM và các đơn vị gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, 34 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. HCM và một số viện thuộc Trung ương.
Ngưỡng mở cửa được quy định cụ thể tại Bản chào theo từng cấp. Chẳng hạn, đối với các cơ quan cấp Trung ương, các gói thầu hàng hoá và dịch vụ có giá gói thầu bằng hoặc cao hơn ngưỡng 1.500.000 SDR (quyền rút vốn đặc biệt) trong 5 năm đầu tiên kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; từ năm thứ 6 đến hết năm thứ 10 là 1.000.000 SDR; từ năm thứ 11 đến hết năm thứ 15 là 500.000 SDR; từ năm thứ 16 trở đi là 130.000 SDR.
Với gói thầu dịch vụ xây dựng, ngưỡng tối thiểu trong 5 năm đầu tiên kể từ khi Hiệp định có hiệu lực là 40.000.000 SDR; từ năm thứ 6 đến hết năm thứ 10 là 20.000.000 SDR; từ năm thứ 11 đến hết năm thứ 15 là 10.000.000 SDR; từ năm thứ 16 trở đi là 5.000.000 SDR.
Ở cấp địa phương, nhà thầu EU được tham dự các gói thầu hàng hóa và dịch vụ tại các cơ quan cấp địa phương (Hà Nội và TP.HCM) có giá gói thầu bằng hoặc cao hơn ngưỡng 3.000.000 SDR trong 5 năm đầu tiên kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; từ năm thứ 6 đến hết năm thứ 10 là 2.000.000 SDR…
Cần một chiến lược cho các nhà thầu nội
Theo nghiên cứu của Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU - Mutrap), việc mở cửa thị trường MSCP theo quy định của EVFTA dự kiến sẽ có những tác động tích cực và tiêu cực nhất định tới Việt Nam. Về tích cực, công tác đấu thầu sẽ minh bạch hơn, tính cạnh tranh cao hơn, chất lượng hàng hóa tốt hơn. Nhà thầu Việt có cơ hội tham gia đấu thầu ở một thị trường rộng, có tính chuyên nghiệp cao, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh...
Nghiên cứu của Dự án EU - Mutrap cũng nhấn mạnh những thách thức như khả năng thắng thầu của các nhà thầu Việt trên “sân nhà” sẽ thấp hơn, đồng nghĩa với công ăn việc làm, thị phần của nhà thầu trong nước cũng bị thu hẹp khi mở cửa thị trường MSCP. Theo các nguyên tắc của Chương MSCP, Việt Nam sẽ không được đưa ra các chính sách ưu đãi để ưu tiên mua hàng trong nước… Tuy vậy, lộ trình mở cửa tương đối dài, có thời gian quá độ để ưu tiên hàng hóa, nhà thầu trong nước.
Theo một chuyên gia về hợp tác quốc tế, việc thực thi EVFTA sẽ mở ra cơ hội làm ăn mới cho nhà thầu Việt Nam ở một thị trường mua sắm có tính chuyên nghiệp cao hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, để thắng thầu đòi hỏi nhà thầu phải nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa, vì những cam kết về MSCP trong EVFTA rất khắt khe.
Một số chuyên gia về đấu thầu cho rằng, nhà thầu trong nước phải chuẩn bị về năng lực một cách chu đáo. Bởi thực tế, các cơ quan mua sắm của EU cũng như nhà thầu EU được đánh giá là yêu cầu cao, nhà thầu Việt không tìm hiểu, không nâng cao năng lực thì không thể có được cơ hội.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận