Trung tâm điều dưỡng người có công Thanh Hoá - Chăm lo tốt hơn cho gia đình chính sách
Sinh thời Bác Hồ đã từng nói: “Máu đào của các liệt sỹ làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sỹ…”.
Đảng và Nhà nước ta cũng khẳng định: “Chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, đảm bảo tất cả gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với người dân địa phương trên cơ sở kết hợp ba nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và các cá nhân đối tượng chính sách tự vươn lên”.
Cán bộ trung tâm cùng các thương bệnh binh phục hồi chức năng thông qua ca hát, giải trí.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, cán bộ nhân viên Trung tâm điều dưỡng người có công Thanh Hoá luôn luôn nỗ lực, cố gắng hết mình làm tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm là thực hiện điều dưỡng cho các đối tượng là Người có công của tỉnh.
Mỗi một cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn ý thức để có được cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc như hôm nay biết bao nhiêu máu đào của các liệt sỹ đã đổ xuống, biết bao nhiêu đồng chí thương binh đã phải để lại một phần cơ thể mình nơi chiến trường.
Rồi biết bao nhiêu bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sỹ, vợ liệt sỹ đã phải nuốt ngược dòng nước mắt chịu cảnh mất đi người thân để đất nước ta nở hoa độc lập.
Hàng năm, Trung tâm điều dưỡng người có công Thanh Hoá luôn hoàn thành 100% kế hoạch được giao, điều dưỡng đến nghỉ tại trung tâm luôn luôn nhận được sự chăm sóc tận tình chu đáo nhất và có ấn tượng rất tốt về trung tâm, họ luôn muốn được quay lại trung tâm không chỉ một mà nhiều lần nữa.
Với trọng trách lớn lao, ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng người có công Thanh Hóa khẳng định "Hiện nay các đối tượng nhiễm chất độc hóa học chế độ ăn còn thấp, với trách nhiệm của mình, Ban chấp hành Đảng ủy, Ban giám đốc đã chắt chiu, tiết kiệm các khoản mà các đơn vị, doanh nghiệp đến tài trợ, giúp đỡ để tăng cường thêm phần ăn cho các đối tượng thuộc khoa da cam".
Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng người có công Thanh Hóa.
Để có được thành công đó, phải nói đến sự đóng góp không nhỏ của phòng Quản lý - Nuôi dưỡng. Với viên chức, người lao động thuộc 3 tổ bộ phận: Tổ Lễ tân, Tổ Nhà phòng, Tổ Điện nước; trong những năm qua đã luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Mỗi viên chức, người lao động trong phòng luôn tự nhủ với lòng mình phải đem hết sức mình, bằng tấm lòng chân thành nhất làm thật tốt nhiệm vụ được giao, chăm sóc các cụ, các bác giúp họ vơi đi phần nào nỗi buồn, giảm bớt những cơn đau do chiến tranh để lại…
Bộ phận lễ tân với nhiệm vụ tổ chức đưa đón điều dưỡng, đưa điều dưỡng đi thăm quan, tổ chức chiếu phim tư liệu, chụp ảnh lưu niệm cho các cụ, các bác. Ngay từ những bước đầu tiếp nhận nhân viên lễ tân luôn tươi cười chào đón các cụ, mời các cụ, các bác lên xe để di chuyển về trung tâm an toàn, chu đáo. Trên đường di chuyển, các cụ, các bác cần gì luôn được nhân viên lễ tân tận tình giúp đỡ.
Khi về đến trung tâm cảm nhận đầu tiên của các cụ, các bác đó là sự tiếp đón niềm nở, ân cần, các cụ, các bác được mời vào hội trường nghỉ ngơi, uống nước sau đó sẽ nhận phòng nghỉ và nhân viên nhà phòng sẽ dẫn các cụ, các bác về tận phòng.
Khi dẫn các cụ, các bác đi thăm quan cũng vậy, suốt thời gian đi thăm quan nhân viên lễ tân luôn để ý, quan sát xem có cụ nào sức khỏe không đảm bảo cần phải giúp đỡ không, cùng trò chuyện vui vẻ với các cụ, các bác suốt hành trình.
Bác Nguyễn Xuân Doanh, 59 tuổi, quê xã Đông Tiến (Đông Sơn, Thanh Hóa) là thương binh hạng đặc biệt đang điều dưỡng tại trung tâm cho biết: "Trước đây tôi bị thương tại chiến trường Campuchia, hàng năm tôi vẫn về đây điều dưỡng, phục hồi sức khỏe. Lần nào vào đây cũng vậy, Ban giám đốc và các y bác sĩ của trung tâm chăm sóc rất tận tình chu đáo. Hàng ngày, buổi sáng chúng tôi được các y bác sĩ đến phòng kiểm tra huyết áp, rồi mang đồ ăn sáng đến tại phòng; được tập trị liệu nâng cao sức khỏe, rồi uống thuốc đầy đủ... Bất cứ thời gian nào, nếu đau ốm, hoặc khó ngủ gọi các cháu đều rất nhiệt tình chăm sóc, chúng tôi rất yên tâm, phấn khởi".
Cán bộ trung tâm chăm sóc, vệ sinh mặt cho thương binh Khoa quản lý, chăm sóc thương binh, bệnh binh tâm thần.
Với bộ phận điện nước, công việc của các anh đảm bảo điện lúc nào cũng sáng, nước lúc nào cũng đủ để đảm bảo cho trung tâm dùng. Các anh luôn sẵn sàng khắc phục các sự cố hỏng hóc, đảm bảo sinh hoạt hàng ngày.
Công việc có khi đột xuất, có khi phải làm ngoài trời, trên cao, nhưng các anh luôn vui vẻ hoàn thành công việc được giao. Khi giao tiếp với các cụ, các bác, các anh luôn vui vẻ, gần gũi, sẵn sàng giúp đỡ các cụ, các bác khi họ gặp khó khăn.
Công việc của tổ nhà phòng là bố trí hợp lý phòng ở cho điều dưỡng, hàng ngày vệ sinh sạch sẽ phòng nghỉ, giúp đỡ các điều dưỡng trong sinh hoạt. Hàng ngày chị em tổ nhà phòng dọn dẹp phòng nghỉ sạch sẽ cho các cụ, các bác.
Chị em luôn luôn vui vẻ trò chuyện cùng các cụ, các bác, giúp họ vơi đi cảm giác nhớ nhà. Chị em làm việc với tinh thần vui vẻ, cởi mở, chăm sóc các cụ, các bác như chính người thân của mình.
Trước mỗi bữa ăn chị em nhà phòng luôn đến từng phòng mời các cụ, các bác đi ăn, có cụ nào yếu đi lại khó khăn họ lại dìu cụ đến nhà ăn và đợi cụ ăn xong đưa cụ về phòng nghỉ an toàn.
Chiều đến cũng vậy, chị em lại đi mời các cụ, các bác tham gia các chương trình của trung tâm, tranh thủ trò chuyện với các cụ, các bác, tình cảm giữa cụ và cháu thật gần gũi, thân thiết biết bao.
Mặc dù công việc lặp đi lặp lại hàng ngày, nhưng nó không tạo ra cảm giác nhàm chán cho chị em tổ nhà phòng. Mỗi một ngày làm việc chị em lại tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân, họ luôn tự biết mình phải làm thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để bù đắp phần nào những hy sinh, mất mát mà các cụ, các bác đã cống hiến cho đất nước.
Trước khi các cụ, các bác ra về chị em luôn luôn giúp họ chuẩn bị hành lý, nhắc các cụ, các bác xem có còn quên gì không, không may có ai để quên đồ sẽ cố gắng bằng mọi cách gửi về cho các cụ, các bác. Có khi dọn phòng hay quét dọn vệ sinh ngoại cảnh, chị em nhặt được đồ liền báo cáo lãnh đạo đơn vị để tìm cách trả lại cho các cụ, các bác.
Hình ảnh khi các cụ, các bác ra về để lại rất nhiều ấn tượng tốt đẹp, đó là cảnh tượng đầy lưu luyến, các cháu thì rất muốn được gặp lại các cụ, các bác còn các cụ, các bác thì cũng rất muốn nếu được đi diều dưỡng chỉ muốn được lên nghỉ ở trung tâm.
Đó là một nguồn động viên vô cùng lớn để nhân viên trung tâm nói chung và nhân viên phòng quản lý nói riêng tiếp tục cố gắng để hoàn thành tốt hơn nữa công việc được giao.
Ông Nguyễn Văn Thư kiến nghị "Nhà nước xem xét, hỗ trợ thêm phần ăn cho đối tượng da cam. Bên cạnh đó, các bác thương binh nặng thường xuyên phải đi điều trị tại các tuyến Trung ương, nên trung tâm phải cử cán bộ y tế đi cùng để chăm sóc các bác khi nào các bác ổn định mới được về, nên rất eo hẹp về người, rất cần thêm biên chế. Thực tế, so với vị trí công việc thì hiện trung tâm đang còn thiếu biên chế, rất cần sự quan tâm của các cơ quan cấp trên, giúp chúng tôi hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao".
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận