Bộ Tài chính đang hoàn thiện hành lang pháp lý trong thu thuế kinh doanh trên nền tảng số
Thu ngân sách đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số sẽ là nhiệm vụ quan trọng của ngành Thuế khi Bộ Tài chính đang hoàn thiện hành lang pháp lý để cơ quan quản lý thu ngân sách bắt nhịp quá trình số hoá của Việt Nam đang có sự phát triển thần tốc trên cơ sở của CMCN 4.0.
- Online Friday 2019 sẽ đánh dấu về sự tăng trưởng của kinh doanh trên mạng xã hội
- Cơ hội cho nền tảng số "Make in Việt Nam"
- Kinh doanh trực tuyến - Cuộc đua mới của các ngành hàng trong mùa dịch COVID-19
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thu ngân sách là một trong những trụ cột của ngành tài chính, toàn ngành cần tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Bộ TT&TT quản lý thu ngân sách đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.
Bộ trưởng cũng yêu cầu toàn ngành cần có quyết tâm cao, đề xuất các giải pháp sáng tạo, hiệu quả, đẩy nhanh việc hoàn thiện khung khổ pháp luật, chủ động xây dựng các kịch bản thu ngân sách trong những tháng cuối năm 2021.
Bộ trưởng đề nghị ngành thuế cần đẩy nhanh việc triển khai hóa đơn điện tử, qua đó vừa đáp ứng yêu cầu của luật pháp thuế, vừa ngăn chặn được các hành vi vi phạm về hóa đơn, góp phần tăng thu cho ngân sách. Cơ quan thuế các cấp cần siết chặt quản lý việc hoàn thuế; đôn đốc nộp sớm các khoản cổ tức và lợi nhuận còn lại.
Kinh doanh trên nền tảng số đang là xu thế tất yếu của thời đại, do đó để đảm bảo chống thất thu thuế sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính.
Tổng cục Hải quan tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến ngành hải quan, đặc biệt cần quan tâm tới hàng hóa phục vụ cho chống dịch (vật tư, thiết bị y tế và thuốc, vaccine).
Theo Bộ Tài chính, lũy kế thu ngân sách nhà nước 7 tháng đạt 912,1 nghìn tỉ đồng, bằng 67,9% dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Với nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu, chống thất thu, gian lận thương mại, trốn thuế; đồng thời tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ứng phó với đại dịch COVID-19.
Về chi cân đối ngân sách nhà nước 7 tháng ước đạt 810,6 nghìn tỉ đồng, bằng 48% dự toán; trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 169,3 nghìn tỉ đồng, bằng 35,5% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi đạt 65,2 nghìn tỉ đồng, bằng 59,2% dự toán; chi thường xuyên đạt 572,2 nghìn tỉ đồng, bằng 55,2% dự toán.
Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách 7 tháng qua được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết phục vụ cho bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đồng thời, Trung ương đã chi 4,2 nghìn tỉ đồng từ dự phòng năm 2021 để bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế mua vaccine, các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, các địa phương đã chi gần 2,4 nghìn tỉ đồng cho phòng chống dịch.
Bộ Tài chính cho biết, ngày 31/7, Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 8532/BTC-CST gửi xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan và VCCI về hồ sơ dự án Nghị quyết của UBTVQH ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số lĩnh vực, dịch vụ; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020, không xử lý đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.
Tổng số tiền miễn giảm theo các phương án nêu trên khoảng 20 nghìn tỉ đồng và sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh đối với khu vực doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và hoạt động của một số nhóm lĩnh vực dịch vụ như du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống, chiếu phim, thể thao và giải trí,... tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận