Chuyển đổi số không còn là xu hướng trong thời đại 4.0
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ ở quy mô toàn cầu, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp.
- An toàn thông tin trong chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cho Chính phủ điện tử
- Bộ trưởng TT&TT: Chuyển đổi số hướng đến phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ
- Các ông lớn ICT 'bắt tay' lập liên minh Chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu ' Việt Nam hùng cường'
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Dự báo kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế số và những làn sóng mới – Thích nghi và chuyển đổi phương thức kinh doanh do Tổ chức Giáo dục đào tạo PTI tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, chiều 20/10.
Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu đối với doanh nghiệp
Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không còn là hiện tượng ở một vài quốc gia, hay khu vực mà đã tác động trực tiếp đến phương thức phát triển kinh tế trên quy mô rộng.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khác biệt hẳn so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước bằng thành tựu mới về công nghệ, trí tuệ nhân tạo và kinh tế số trở thành cốt lõi lấn át kinh tế vật thể.
Kinh tế số được cấu trúc từ những năng lực mới với nguồn lực - tài sản chủ yếu là trí tuệ, công nghệ cao, thông tin thay thế cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm. Cơ chế vận hành của kinh tế số là liên kết hệ thống bằng chuỗi, mạng, kết nối vạn vật, không giới hạn về không gian địa lý.
Đó cũng chính là lợi thế so sánh tuyệt đối của kinh tế số so với kinh tế vật thể. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu, rộng thì những chuyển động của kinh tế số toàn cầu càng tác động mạnh mẽ tới doanh nghiệp Việt Nam.
Chính vì vậy, muốn tồn tại và phát triển, doanh nghiệp không còn con đường nào khác là nhanh chóng tham gia vào công cuộc chuyển đổi số hay số hóa hoạt động kinh doanh, quản trị.
Theo ông Trần Đình Thiên, sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có chuyển biến căn bản nhưng nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn đọng về cấu trúc, năng lực thể chế. Cụ thể, Việt Nam còn thiếu nhiều nguồn lực con người, tài chính, hạ tầng cho chuyển đổi. Về thể chế, quyền tài sản trí tuệ, cơ chế phân bổ nguồn lực, tính minh bạch còn hạn chế.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng có lợi thế khi đi sau các nước phát triển, dễ dàng tiếp nhận các thành tựu mà các nước mất nhiều thời gian nghiên cứu, triển khai, con người Việt Nam ham học hỏi và tiếp thu nhanh, đặc biệt Việt Nam có tốc độ hội nhập quốc tế nhanh và sâu rộng.
Để chuyển đổi kinh tế vật thể sang kinh tế số ngoài nền tảng công nghệ phải thay đổi tư duy về thể chế, bởi cách mạng công nghiệp 4.0 thực chất là cuộc cách mạng thể chế.
Theo đó, Nhà nước cần xây dựng được thể chế công khai minh bạch, chính quyền hiệu quả, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và an ninh mạng, tạo nguồn nhân lực số, xây dựng công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp…
Nhà nước nên coi chiến lược phát triển khoa học công nghệ là trục của chiến lược phát triển quốc gia, tăng cường liên kết khu vực trong nước và FDI, thúc đẩy phát triển một số ngành chọn lọc phù hợp với xu hướng.
“Cải cách về thể chế phải được thực hiện một cách triệt để với những chính sách ưu đãi tối đa cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ưu tiên xây dựng hạ tầng số, thúc đẩy các trung tâm tăng trưởng và đô thị thông minh. Bởi, công nghệ có thể trở thành nền tảng chung nhưng thể chế là đặc thù của mỗi quốc gia, quyết định nền kinh tế đó có tiếp cận, vận dụng nền tảng công nghệ để phát triển hay không.”, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Chuyển đổi số được bắt nguồn từ thể chế
Cùng quan điểm, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cho rằng, cùng với quá trình hội nhập, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động ngày càng rõ nét đến kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng.
Nhiều cơ hội được mở ra nhưng cơ hội đó không tự nhiên biến thành lợi ích, chỉ số tăng trưởng. Ngược lại, nếu không biết cách khai thác, cơ hội có thể chuyển thành thách thức bởi áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.
Theo ông Trương Đình Tuyển, với một nền kinh tế có hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ như Việt Nam thì những xu hướng mới, làn sóng mới rất dễ gây “tổn thương” nếu không chủ động đón nhận.
Chính vì vậy, vấn đề hiện nay là phải nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế, chuyển đổi số là một trong những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh hiệu quả, nhưng để làm được điều đó Nhà nước cần tạo ra khung khổ cho doanh nghiệp tự do lựa chọn bằng việc cải cách thể chế.
Thể chế tốt phải đảm bảo tính công khai minh bạch và môi trường chính sách ổn định, có tính cạnh tranh cao để doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech chia sẻ, chuyển đổi số, số hóa là vấn đề được nhiều người quan tâm nhưng rất ít doanh nghiệp biết cách để triển khai vào thực tế. Thực ra chuyển đổi số rất đơn giản, là quá trình thường xuyên, liên tục ứng dụng các công nghệ số vào mọi lĩnh vực hoạt động vì mục đích nâng cao năng suất của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, chỉ trong thời gian ngắn, ứng dụng các nền tảng công nghệ đã giúp tăng 20% khách hàng cho taxi truyền thống, tiết kiệm 50% chi phí hậu cần cho nhà bán lẻ, tăng từ 3-7 lần doanh số thanh toán thẻ cho ngân hàng. Điều đó chứng tỏ, chuyển đổi số không còn xu hướng mang tính phong trào mà đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với mọi doanh nghiệp.
Để số hóa, doanh nghiệp phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức, lấy dữ liệu làm nền tảng, thay đổi cơ bản cách vận hành doanh nghiệp. Nói cách khác doanh nghiệp cần tập trung phân tích dữ liệu để tăng năng suất, quản trị hiệu quả, gia tăng trải nghiệm khách hàng nhằm cải thiện năng lực hành động và phản ứng kịp thời để tồn tại và phát triển.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận