Đề xuất thay đổi phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có cồn
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khuyến nghị đẩy mạnh quản lý khu vực phi chính thức sẽ giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu chính sách nhằm giảm lạm dụng đồ uống có cồn, tăng thu ngân sách và vẫn đảm bảo bình đẳng cho các doanh nghiệp.
- Bộ Công Thương đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại xe ô tô điện
- Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt gia tăng hấp dẫn người tiêu dùng Việt với xe ô tô điện
- eTax Mobile ứng dụng tra cứu thuế thu nhập cá nhân trên thiết bị di động
Lạm dụng đồ uống có cồn tăng cao
Theo nghiên cứu của CIEM, giai đoạn 2010-2018, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với rượu bia được điều chỉnh liên tục tăng, tuy nhiên tỉ lệ người không sử dụng giảm, tỉ lệ người lạm dụng vẫn tăng cao. Lượng đồ uống có cồn tiêu thụ trong khu vực chính thức cũng như phi chính thức tăng rất nhanh, giai đoạn 2003-2005, lượng đồ uống có cồn tiêu thụ ở Việt Nam đạt bình quân 3,8 lít/người/năm; giai đoạn 2008-2010 đạt bình quân 6,6 lít/người/năm; đạt bình quân đến 8,3 lít/người/năm giai đoạn 2015-2017. Tốc độ tăng bình quân năm đạt 8,1%, tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn 10 năm. Tỉ lệ người nghiện rượu bia tăng từ 1,4% năm 2010 lên 14,4% năm 2016; tương ứng với 49,3% người chưa bao giờ sử dụng rượu bia năm 2010 giảm còn 38,6% năm 2016.
Toàn cảnh Hội thảo.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của CIEM cũng cho thấy, chính sách thuế TTĐB hiện nay chưa đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa khu vực chính thức và phi chính thức khi có đến 63% khối lượng cồn nguyên chất được tiêu thụ ở khu vực phi chính thức mà không phải chịu kiểm soát cũng như chi phí về thuế, chất lượng, bao bì, tem nhãn, tiêu thụ… so với hàng hóa chính thức.
Điều này dẫn đến việc giá các mặt hàng khu vực không chính thức rẻ hơn, gây thiệt hại về mặt số lượng tiêu dùng cho ngành hàng đồ uống có cồn khu vực chính thức. Hơn thế, chính sách thuế TTĐB hiện nay cũng chưa đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa nhóm sản phẩm chất lượng cao và chất lượng thấp. CIEM cho rằng, nhóm sản phẩm chất lượng cao sẽ có giá cao, kéo theo việc chịu thuế suất cao, do đó sẽ khó cạnh tranh với nhóm sản phẩm chất lượng thấp. Mức thuế suất đó doanh nghiệp sản xuất phải chịu cho những nguyên liệu đầu vào khác như nước, vỏ chai, bao bì, hương liệu…
Mặt khác, phương pháp tính thuế hiện tại không đảm bảo mục tiêu hạn chế việc lạm dụng đồ uống có cồn. Nghiên cứu của CIEM chỉ ra rằng, về lâu dài phương pháp tính thuế hiện tại sẽ khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất giảm giá sản phẩm thông qua việc giảm chất lượng. Các doanh nghiệp sản xuất sẽ có xu hướng tăng nồng độ cồn trong sản phẩm; người tiêu dùng với xu hướng sử dụng sản phẩm rẻ hơn sẽ tiêu thụ các sản phẩm rẻ mà nồng độ cồn cao, dẫn đến nguy cơ về sức khỏe tăng lên.
Cần có sự thay đổi
Tại hội thảo “Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành sản xuất đồ uống có cồn tại Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách” do CIEM tổ chức sáng ngày 8/4, CIEM đã chỉ ra những hạn chế trong quản lý khu vực đồ uống có cồn phi chính thức. CIEM cho rằng, việc thống kê, đăng ký, quản lý tình hình sản xuất và sử dụng đồ uống có cồn khu vực phi chính thức vẫn còn hạn chế; việc cấp phép sản xuất rượu thủ công chưa có sự thuận lợi, chưa thúc đẩy cơ sở sản xuất đăng ký hợp pháp. Quy định quản lý rượu thủ công vẫn có điểm chưa chặt chẽ khi rượu trằng do ngành Công Thương quản lý, rượu ngâm do ngành Y tế quản lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các Sở Y tế chỉ được quản lý các sản phẩm rượu bảo vệ sức khỏe đã được Cục An toàn thực phẩm kiểm tra, công bố. Hơn thế, các chính sách thắt chặt kiểm soát như giám sát, tăng thuế… chỉ hướng đến khu vực chính thức, khu vực phi chính thức hầu như bị bỏ ngỏ.
TS. Lê Đăng Doanh phát biểu tại sự kiện.
Kịch bản CIEM đưa ra đề xuất sửa đổi thuế TTĐB đối với ngành đồ uống có cồn tại Việt Nam: (1) giữ nguyên phương pháp thuế tương đối và tăng thuế suất theo lộ trình; áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp, kết hợp cả thuế suất tương đối trên giá bán buôn của sản phẩm và thuế suất tuyệt đối trên mỗi lít sản phẩm tiêu thụ; (2) áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp, song thuế suất tuyệt đối tính trên mỗi lít cồn nguyên chất, thay vì mỗi lít sản phẩm tiêu thụ; giảm mạnh mức thuế suất tương đối từ năm thứ 2 và tăng mạnh mức thuế tuyệt đối trên mỗi lít tiêu thụ; (3) giảm mạnh mức thuế suất tương đối từ năm thứ 2 và tăng mạnh mức thuế tuyệt đối trên mỗi lít cồn nguyên chất. CIEM đặc biệt nhấn mạnh việc áp dụng các kịch bản sẽ đảm bảo những mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra đối với Chiến lược cải cách thuế trong giai đoạn 2021-2030; (4) phương pháp thuế hỗn hợp mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với phương pháp thuế tương đối; việc tăng mạnh mức thuế tuyệt đối đem lại kết quả về thu NSNN vượt trội hơn nhiều; (5) phương pháp thuế hỗn hợp cũng giúp Chính phủ hạn chế được tác động tiêu cực từ khu vực đồ uống phi chính thức như thất thu thuế, chi phí chăm sóc sức khỏe…
Nhiều ý kiến tại hội thảo đề xuất hướng chính sách thuế TTĐB vào khi vực sản xuất phi chính thức; việc tính thuế phải trên cơ sở giá, sức mua, chi phí sản xuất cũng như nuôi dướng nguồn thu; cân nhắc mức thuế cũng như vấn đề quản lý để tránh dẫn phát hoạt động buôn lậu do giá đồ uống có cồn trong nước quá cao. TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế còn đắn đo vấn đề tăng GDP do tăng tiêu thụ đồ uống có cồn; đồng thời nhấn mạnh vai trò của các Bộ, ngành và cơ quan quản lý địa phương trong việc giảm tỉ lệ đồ uống có còn khu vực phi chính thức.
Đáng chú ý, đại diện Tiểu ban Rượu vang và Rượu mạnh – Hiệp hội doanh nghiệp Châu âu tại Việt Nam (EuroCham) Ludovic Ledru cho rằng, mô hình đánh thuế theo phương pháp hiện nay không đảm bảo công bằng giữa sản phẩm chất lượng cao và chất lượng thấp, thậm chí còn khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm giá rẻ với nồng độ cồn từ trung bình đến cao. Việc tăng thuế suất TTĐB càng không khuyến khích các nhà sản xuất rượu phi chính thức đăng ký kinh doanh nhằm trốn thuế, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp. Ông Ludovic Ledru cũng đề xuất đơn giản hóa quy trình đăng ký để cấp giấy phép, chính thức hóa sản xuất của khu vực phi chính thức.
Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương khuyến nghị: “Chính phủ nên ổn định môi trường chính sách trong những năm tới, đặc biệt là chính sách thuế, từ đó giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19. Đẩy mạnh quản lý khu vực phi chính thức sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu chính sách nhằm giảm lạm dụng đồ uống có cồn nói chung, tăng thu ngân sách, và vẫn đảm bảo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp”. Cũng theo ông Nguyễn Hoa Cương , khi sửa đổi Luật Thuế TTĐB ở thời điểm phù hợp, Chính phủ nên xem xét việc áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp dựa trên số lít cồn nguyên chất, bởi sự phù hợp với bối cảnh và khả năng thích ứng của Việt Nam, từ đó góp phần thúc đẩy đạt các mục tiêu chính sách.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận