Kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế - Giải pháp công nghệ chống thất thu thuế
Dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành luật quản lý thuế đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến cho rằng để minh bạch hoá thì cần phải có sự kết nối thông tin giữa các thiết bị tính tiền với cơ quan thuế để kiểm soát tốt hơn doanh thu và chính xác số thuế phải nộp của đơn vị kinh doanh.
- Chống thất thu thuế kinh doanh qua mạng sẽ là bài toán khó với cơ quan quản lý
- Liên thông điện tử giữa cơ quan quản lý đất đại và thuế để chống thất thu ngân sách
- Chống thất thu thuế là thách thức lớn đối với nền kinh tế số
Theo đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
Dự thảo Thông tư nêu rõ, máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế là thiết bị điện tử đồng bộ hay một hệ thống nhiều thiết bị điện tử được kết hợp với nhau bằng một phần mềm bán hàng có chức năng chung như tính tiền, lưu trữ các thao tác bán hàng, số liệu bán hàng, in hóa đơn, tra cứu giao dịch, báo cáo giao dịch và được kết nối chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế theo định dạng chuẩn bằng phương thức điện tử.
Hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế được cấp mã của cơ quan thuế theo tiêu chuẩn hệ thống cấp mã của Tổng cục Thuế.
Số liệu thống kê từ các máy tính tiền được cơ quan Thuế cho là đầy đủ và chính xác nhất.
Dự thảo quy định, chi cục thuế có trách nhiệm khai thác cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền để kiểm soát việc kê khai doanh thu của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đảm bảo phù hợp với các yếu tố chi phí trong kỳ khai thuế.
Cục Thuế có trách nhiệm khai thác cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử để chỉ đạo, kiểm soát Chi cục Thuế trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Bên cạnh đó, nội dung này tại dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ cũng tạo sự minh bạch của quá trình quản lý thuế giữa cơ quan thuế và đối tượng nộp thuế về các loại hàng hóa bán ra, giá thành sản phẩm, mức thuế phải chịu theo quy định của pháp luật.
Dự thảo đã nêu rõ, các đối tượng dự kiến thực hiện việc kết nối này gồm tổ chức, cá nhân (không bao gồm hộ khoán) có hoạt động trong lĩnh vực trung tâm thương mại, siêu thị, quán ăn uống, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, dịch vụ vui chơi, giải trí; đại lý bán lẻ hàng tiêu dùng, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng khác. Đây là những lĩnh vực kinh doanh có nhiều rủi ro trong quản lý doanh thu bán lẻ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, đã có nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng phương pháp này hiệu quả, Việt Nam cũng cần triển khai để bộ máy vận hành sớm đạt hiệu quả, chuyên nghiệp, cũng như khắc phục các điểm yếu nhằm đảm bảo việc minh bạch hóa, chính xác hóa các hoạt động thanh toán mà phát sinh thuế để cơ quan thuế có thể thu được.
Cùng với hoá đơn điện tử thì việc này sẽ giúp cho các hoạt động giao dịch kinh doanh, thanh toán của các cơ quan, hộ thuế sẽ nhanh, thuận tiện và chính xác hơn. Đây là một trong những nỗ lực của ngành thuế và cũng là một trong những định hướng phát triển theo hướng hiện đại hóa và hội nhập. Đồng thời, việc này cũng giúp hạn chế việc trốn thuế và giúp cho hoạt động thu thuế tránh bị thất thu do những rủi ro đạo đức của nhân viên ngành thuế.
Các chuyên gia cũng cho rằng, khi Thông tư đã được ban hành thì các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chân chính sẽ ủng hộ để kinh doanh minh bạch. Đặc biệt là hộ kinh doanh - những cơ sở kinh doanh không có sổ sách kế toán mà đang thực hiện theo thuế khoán sẽ không bị cơ quan thuế áp đặt, ấn định doanh thu cũng như số thuế phải nộp. Khi thực hiện kết nối với máy tính tiền của cơ sở kinh doanh với cơ quan thuế, họ không phải nộp thuế khoán nữa, mà số tiền thuế sẽ được tính trên doanh thu thực tế.
Qua việc áp dụng kết nối máy tính tiền này, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền làm cơ sở chỉ đạo cơ quan thuế địa phương trong việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng để quy định này được thực hiện hiệu quả thì cần phải giải quyết được các vấn đề là sự kết nối có được thông suốt không, có thể kết nối tất cả các hộ kinh doanh, đơn vị được hay không và các hoạt động liệu có trơn tru.
Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cần có chế tài, tăng cường hoạt động thanh tra kiểm tra thì các hộ kinh doanh sẽ thực hiện tốt hơn và để tránh trường hợp họ sẽ bị phạt nặng nếu phát hiện sai sót, ăn gian.
Anh Nguyễn Hưng, chủ một nhà hàng kinh doanh ăn uống trên phố Thụy Khuê, Hà Nội cho biết, tuy chưa nắm được nhiều thông tin về việc kết nối máy tính tiền của các hộ kinh doanh với cơ quan thuế nhưng anh cho rằng việc này sẽ giúp nâng cao được tính minh bạch và cũng phù hợp với xu hướng hiện đại hóa.
Mặc dù vậy, anh Hưng cũng cho biết, giai đoạn này việc kinh doanh của nhiều ngành hàng lĩnh vực đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, nhà hàng của anh cũng đã phải nghỉ bán và cho nhân viên về quê từ gần 2 tháng nay, do vậy thời gian tới cũng rất cần có được sự hỗ trợ nhiều hơn từ chính sách thuế.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận