Trái phiếu doanh nghiệp bị siết - Không còn cơ hội để bứt phá
Sau thời gian tăng trưởng nóng thì trái phiếu doanh nghiệp đã bị siết chặt hơn bởi các văn bản pháp lý có hiệu lực đã khiến cho thị trường này được dự báo là khó có thể bứt phá mạnh trong quý IV.
- Bộ Tài chính: Không nên đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao
- Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp chỉ được hạn chế khi quy định của pháp luật được thực thi
- Trái phiếu doanh nghiệp có chuyên trang riêng để công bố thông tin
Ngày 27/10, Trung tâm Phân tích đầu tư - Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) ra Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp với nhận định rằng điều kiện phát hành chặt chẽ sẽ khiến phát hành trái phiếu doanh nghiệp khó tăng mạnh trong quý IV
Theo đó, SSI cho rằng, từ quý IV/2020, các doanh nghiệp cần huy động vốn sẽ quay trở lại với kênh tín dụng. Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng khó có thể tăng mạnh do điều kiện phát hành chặt chẽ và quy trình thủ tục mất khá nhiều thời gian. Bên cạnh đó, các nhà phân tích từ SSI nhìn nhận, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp vẫn hết sức sôi động nhờ môi trường lãi suất tiền gửi thấp.
Sau thời gian tăng trưởng nóng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đi vào quy củ khi các văn bản quản lý được ban hành và có hiệu lực.
Theo SSI, tín dụng 9 tháng 2020 chỉ tăng 6,09% so với cuối năm 2019. NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 có thể đạt 8 - 10%, tức là có khoảng 150.000 - 320.000 tỉ đồng tín dụng tăng thêm trong quý IV/2020.
Cùng với việc NHNN giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung vào dài hạn, NHNN cũng đã giảm trần lãi suất tiền gửi và cho vay ngắn hạn lần thứ 3 trong năm nay.
Ngoại trừ các ngân hàng thương mại thực hiện phát hành trái phiếu riêng lẻ theo Thông tư 34/2013/TT-NHNN của NHNN Việt Nam quy định về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các doanh nghiệp khác đều tuân thủ theo Nghị định số 81/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và có hiệu lực từ 1/9/2020 nên sẽ giảm mạnh phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý IV/2020.
Các doanh nghiệp cần vốn sẽ quay trở lại kênh tín dụng của các ngân hàng thương mại vốn có đủ năng lực và trình độ để thẩm định và xử lý các rủi ro phát sinh, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ trước tình trạng phát hành ồ ạt nhưng thiếu công bố thông tin như giai đoạn vừa qua. Vì vậy, SSI cho rằng việc phát hành ra công chúng khó có thể tăng mạnh.
Việc phát hành trái phiếu ra công chúng được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 75/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc phát hành trái phiếu ra công chúng; trong đó có điều kiện phát hành là doanh nghiệp phải kinh doanh có lãi (có lợi nhuận sau thuế năm liền trước là số dương, không có lỗ lũy kế đến thời điểm phát hành).
Đây chính là nút thắt lớn nhất tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (Nghị định 90).
Thực tế cho thấy, sau khi điều kiện này bị xóa bỏ tại Nghị định số 163/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (Nghị định 163) thay thế Nghị định 90, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng trưởng bùng nổ từ năm 2019 đến nay.
Qua đó có thể thấy có khá nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản không đáp ứng được điều kiện này. Ngoài ra, các quy định về hồ sơ phát hành và công bố thông tin khắt khe hơn phát hành riêng lẻ, các bước thực hiện cũng tốn thời gian hơn.
Theo đó, Ủy ban Chứng khoán cấp Giấy chứng nhận đăng ký phát hành trái phiếu ra công chúng trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, phải hoàn thành phân phối trong vòng 90 ngày nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép.
Dù vậy, các chuyên gia từ SSI cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp vẫn sẽ rất sôi động. Lý do được công ty chứng khoán này đưa ra là lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm mạnh 70 - 110bps (điểm cơ bản) trong quý III/2020 đưa lãi suất tiền gửi về vùng thấp lịch sử, hiện chỉ giữ ở mức 3 - 3.8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,7 - 5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng; 4,9 – 5,8%/năm với kỳ hạn 12 và 13 tháng.
Chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp và lãi suất tiền gửi tiếp tục giãn rộng, SSI đã khảo sát mức chênh lệch này đang khoảng từ 2% - 4%/năm. Nhu cầu với trái phiếu doanh nghiệp tăng cao trong khi nguồn cung sụt giảm sẽ khiến thị trường thứ cấp tiếp tục tăng nhiệt trong quý IV/2020.
Về kết quả phát hành trái phiếu, SSI cho biết, quý III/2020, các doanh nghiệp phát hành tổng cộng 164.400 tỉ đồng trái phiếu, tăng 29% so với quý trước và tăng 95% so với cùng kỳ 2019.
Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành 9 tháng đầu năm là 341.000 tỉ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ 2019. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tính trên GDP tăng nhanh từ mức 11,4% tại cuối 2019 lên 14,4% vào cuối tháng 9/2020.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận