Trừ điểm trên bằng lái xe: Sẽ không còn chuyện 'thương lượng'?
Tại Việt Nam, cùng với chuyện bấm lỗ bằng lái, cách xử phạt này đã được đề xuất lâu nay nhưng vẫn còn mới mẻ và xa lạ với thực tế.
- Áp dụng bộ câu hỏi mới trong sát hạch cấp GPLX từ 1/6
- Cấp đổi GPLX quốc tế trên Cổng dịch vụ công quốc gia có thể chỉ mất 2 giờ
- Lùi thời hạn áp dụng bộ câu hỏi mới trong sát hạch và cấp GPLX
CSGT kiểm tra, xử lý một trường hợp vi phạm luật giao thông trên đường Cách Mạng Tháng 8, Q.3, TP.HCM chiều 18/6. Ảnh: T.T.D.
Bộ Công an vừa có báo cáo trình Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó có đề xuất trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) đối với các tài xế vi phạm.
Theo đó, mỗi bằng lái sẽ có tổng cộng 12 điểm, khi vi phạm bị trừ điểm, cơ sở dữ liệu sẽ cập nhật đến lúc hết điểm thì giấy phép không còn hiệu lực và phải thi sát hạch lại.
Tôi cho rằng đây là một giải pháp xử lý vi phạm giao thông rất cần thiết và văn minh. Nhưng làm sao để việc áp dụng quy định này thực sự hiệu quả vẫn đang là băn khoăn của nhiều người.
Tại Việt Nam, cùng với chuyện bấm lỗ bằng lái, cách xử phạt này đã được đề xuất lâu nay nhưng vẫn còn mới mẻ và xa lạ với thực tế. Hiện tại, đây mới chỉ là đề xuất của Bộ Công an. Để triển khai, dự thảo cần phải được lấy ý kiến rộng rãi trong toàn xã hội.
Về phía Bộ Công an cần rà soát lại các quy định có liên quan đến Luật giao thông đường bộ hiện hành, bổ sung các quy định về trừ điểm giấy phép lái xe nếu tài xế vi phạm, công bố rõ các hành vi vi phạm nào thì bị trừ điểm, số điểm trừ tương ứng ra sao cho đủ tính thuyết phục.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo có một hệ thống dữ liệu đồng bộ, hiệu quả có thể xử phạt và trừ điểm giấy phép lái xe tự động không để xảy ra sai sót nào. Muốn vậy, cần có sự chuẩn bị sẵn sàng từ trang thiết bị, ứng dụng công nghệ... đặc biệt là đào đạo nguồn nhân lực để thực hiện việc xử phạt.
Mọi chuyện thành công đến đâu đều do con người. Điều dư luận quan tâm vẫn là tính nghiêm túc trong thực thi pháp luật. Từ quy định đến chuyển biến thực tế mất bao lâu cũng do ý chí con người. Muốn xử phạt văn minh phải có con người hành xử văn minh.
Người văn minh ở đây, trước tiên là từng người lái xe. Đi xe đúng luật, sai thì nghiêm túc chấp hành, thay vì thương lượng, xin xỏ, tranh cãi. Về phía lực lượng chức năng, phải nghiêm minh, không thỏa hiệp, đặc biệt là không tiêu cực để trục lợi. Bởi người vi phạm luôn tìm mọi cách để đối phó để không bị trừ điểm, nếu du di hoặc trục lợi thì không thể làm được.
Các loại biển báo trên đường cũng phải hợp lý và đúng luật, tránh tình trạng tài xế phải ấm ức chịu phạt, dẫn đến tình trạng tranh cãi đôi bên, không chấp hành việc xử phạt. Trừ điểm trên bằng lái sẽ là văn minh nếu cả cảnh sát giao thông và người tham gia giao thông đều nghiêm túc thực hiện.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Trung Quốc đã có quy định tương tự. Riêng tại Anh, hệ thống điểm bằng lái được quy định trong luật pháp, áp dụng từ năm 1988. Mỗi bằng lái có tổng quỹ điểm là 12. Nếu vi phạm luật giao thông, ngoài phạt tiền, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, tài xế còn bị tính điểm phạt.
Hình thức xử phạt này đem lại hiệu quả cao. Tính nghiêm minh, răn đe mạnh khiến nhiều tài xế tâm phục khẩu phục, nghiêm túc chấp hành.
Khi mọi thứ thành khuôn khổ, con người với ý thức và hành động đúng pháp luật thì trật tự giao thông mới đảm bảo.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận