Ứng dụng lưới điện thông minh tại Việt Nam: Cần sớm ban hành khung pháp lý
Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) vừa phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo tham vấn, tổng kết, đánh giá và đề xuất khung pháp lý cho “ứng dụng lưới điện thông minh”, để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả tại Việt Nam.
- Sản xuất điện từ năng lượng tái tạo nhận được khoản đầu tư lớn từ ADB
- Phát triển năng lượng thông minh: Ưu tiên chiến lược trong chuyển đổi số quốc gia
- Ra mắt “giải pháp năng lượng thông minh, bền vững” tại Việt Nam
Việc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo dẫn đến khó khăn trong vận hành hệ thống điện
Ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết: Để thúc đẩy việc thực hiện Đề án phát triển “lưới điện thông minh” tại Việt Nam, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 8/11/2012, Cục Điều tiết điện lực với sự hỗ trợ, phối hợp của GIZ và chuyên gia tư vấn quốc tế đã nghiên cứu, đưa ra một số đề xuất quan trọng đối với khung pháp lý cần được quy định trong thời gian tới.
Cục Điều tiết điện lực tiếp tục kỳ vọng sẽ nhận được các ý kiến thảo luận, góp ý của các cán bộ chuyên gia kỹ thuật để cùng với các chuyên gia tư vấn rà soát, đánh giá và đề xuất khung pháp lý phù hợp với điều kiện thực tế của lưới điện thông minh và hệ thống điện Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Ông Tobias Cossen - Giám đốc Dự án thuộc GIZ cho rằng Việt Nam có tốc độ phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng nhanh trong một năm trở lại đây. Kế hoạch phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo đến năm 2030 của Việt Nam cũng tương đối tham vọng, đặc biệt là các nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió vốn thay đổi theo điều kiện thời tiết.
“Hệ thống điện Việt Nam chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức cả về kỹ thuật và tài chính. Vì vậy, cần phải nhanh chóng bổ sung các quy định pháp lý phù hợp để cho phép tích hợp tỷ lệ cao các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, mà không làm ảnh hưởng tới độ tin cậy cung cấp điện, chất lượng điện năng của hệ thống điện, cũng như hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới giá điện bình quân toàn hệ thống”, ông Tobias Cossen
Tại hội thảo, nhóm chuyên gia tư vấn quốc tế đã trình bày kết quả nghiên cứu, đánh giá khung pháp lý hiện tại của Việt Nam, đưa ra các bài học kinh nghiệm quốc tế, đồng thời đề xuất khung pháp lý quan trọng cho “ứng dụng lưới điện thông minh” để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả tại Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu đã tập trung vào việc xác định và phân tích các khoảng trống quan trọng về khung pháp lý và những quy định hiện hành tại Việt Nam liên quan tới “ứng dụng lưới điện thông minh” cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, bao gồm: Các quy định về tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo; các quy định để triển khai các công nghệ năng lượng thông minh; các tiêu chuẩn kỹ thuật cho công nghệ năng lượng thông minh, các quy định kỹ thuật và tiêu chuẩn liên kết lưới điện.
Trên cơ sở đánh giá các quy định còn chưa có trong khung pháp lý hiện tại của Việt Nam, đối chiếu với các bài học kinh nghiệm quốc tế, nhóm chuyên gia tư vấn quốc tế đã chỉ ra rằng, Việt Nam có chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo rõ ràng với mục tiêu và chiến lược cụ thể. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam đã ban hành cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo thông qua cơ chế giá FIT hấp dẫn với hợp đồng mua bán điện (PPAs) dài hạn và trợ cấp về các loại thuế liên quan tạo điều kiện tốt cho việc huy động vốn của các dự án năng lượng tái tạo.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận