Nhân loại tiến thêm bước dài trong hành trình tìm kiếm sự sống trên Hoả Tinh
Sau nỗ lực thứ nhất bất thành trong việc tìm kiếm các mẫu đất đá trên Sao Hoả, tàu thám hiểm Perseverance đã có thể thu hoạch được các mẫu đất đá mang giá trị khoa học để đưa về trái đất để phục vụ giới khoa học tìm kiếm sự sống trên Hoả Tinh.
- Tàu Perseverance bắt đầu thực hiện sứ mệnh lịch sử sau "7 phút kỳ tích" của ngành hàng không vũ trụ
- Tàu thám hiểm Perseverance tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trên Hành tinh Đỏ
- Hành trình của nữ lao động trở thành giám đốc chuyến bay lên sao Hoả của NASA
Hoạt động của Tàu thám hiểm Perseverance của Cơ quan Hàng không v trụ Mỹ (NASA) trên Sao Hoả đã thu thập được mẫu đất đá để đưa trở lại Trái Đất phục vụ công tác nghiên cứu. Đây là nỗ lực thứ hai của tàu Perseverance, sau khi thực hiện không thành công nhiệm vụ này vào tháng trước.
Trước đó, ngày 7/8, NASA thông báo tàu Perseverance đã khoan vào nền của miệng núi lửa Jezero để lấy một mẫu có kích thước bằng ngón tay từ các phiến đá phẳng. Máy khoan dường như hoạt động như dự kiến, nhưng mẫu đá lại không lọt vào ống đựng đá.
Trong thông báo ngày 2/9, NASA cho biết điều kiện ánh sáng không tốt khiến cơ quan này chỉ thu được những hình ảnh sau khi cánh tay robot dài 2 m đã hoàn tất việc thu thập mẫu vật. Tàu Perseverance dự kiến sẽ tiếp tục ghi lại thêm những hình ảnh liên quan trong ngày 4/9, khi có ánh sáng tốt hơn.
Những bước tiến mới của nhân loại trong tìm kiếm sự sống trên Sao Hoả nhờ vào những hình ảnh được tàu thám hiểm perseverance của NASA gửi về trái đất. Ảnh NASA
Bà Jennifer Trosper - Giám đốc dự án thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) ở Pasadena - cho biết: "Nhóm nghiên cứu đã xác định được vị trí, đồng thời chọn và tiến hành khoan tại một địa điểm khả thi và có các mẫu đá mang giá trị khoa học".
Tàu thăm dò Perseverance đã được phóng đi từ Florida (Mỹ) hơn một năm trước. Con tàu có kích thước bằng một chiếc ô tô cỡ lớn này đã đáp xuống Sao Hỏa ngày 18/2 vừa qua, tại miệng núi lửa Jezero.
Các nhà khoa học tin rằng miệng núi lửa này chứa một hồ nước sâu cách đây 3,5 tỉ năm, nơi các điều kiện có thể hỗ trợ sự sống ngoài Trái Đất. Khoan lỗ là bước đầu tiên trong quy trình lấy mẫu, dự kiến mất khoảng 11 ngày.
Theo nhóm nghiên cứu, mục tiêu của họ là một tảng đá có kích cỡ tương đương một chiếc vali - được đặt biệt danh "Rochette" - cách miệng núi lửa Jezero khoảng 900 m.
Với mục đích tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống vi sinh vật cổ đại trên "Hành tinh Đỏ", NASA đặt mục tiêu thu thập khoảng 30 mẫu trong các ống và đưa các mẫu thu thập được trở về Trái Đất trong thập niên 30 của thế kỷ này để phân tích bằng các thiết bị tinh vi hơn nhiều so với những thiết bị có thể đưa lên Sao Hỏa hiện nay.
Các thiết bị khoa học được gắn trên tàu thám hiểm Perseverance có thể xác định các thành phần hóa chất và khoáng chất, đồng thời tìm kiếm chất hữu cơ, cũng như nhận diện tốt hơn các đặc điểm của quá trình hình thành địa chất trên Sao Hỏa.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận