CMCN 4.0: Vai trò của doanh nghiệp trong cuộc CMCN lần thứ tư (phần kết)
Từ những nghiên cứu, phân tích các cuộc cách mạng KH&KT, cách mạng KH&CN, cách mạng công nghiệp, đặc biệt là cuộc CMCN 4.0 và thực trạng của đất nước. Cần hiểu đầy đủ, đúng bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có lộ trình và giải pháp phát triển đất nước một cách thực sự khoa học, không giáo điều, hình thức.
- CMCN 4.0: Vai trò của doanh nghiệp trong cuộc CMCN lần thứ tư (phần 1)
- CMCN 4.0: Vai trò của doanh nghiệp trong cuộc CMCN lần thứ tư (phần 2)
- CMCN 4.0: Vai trò của doanh nghiệp trong cuộc CMCN lần thứ tư (phần 5)
7. Một số nhận xét và kiến nghị
Chúng ta phải có một quyết tâm chính trị lớn vì đang đứng trước một cuộc cách mạng với những thay đổi rất nhanh chóng. Từ những nghiên cứu, phân tích các cuộc cách mạng KH&KT, cách mạng KH&CN, cách mạng công nghiệp, đặc biệt là cuộc CMCN 4.0 và thực trạng của đất nước, xin có một số đề xuất kiến nghị sau:
(1) Thứ nhất là, cần hiểu đầy đủ, đúng bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có lộ trình và giải pháp phát triển đất nước một cách thực sự khoa học, không giáo điều, hình thức.
Tuyệt đối không được “tầm thường hóa” cuộc CMCN 4.0, vì đây là kết quả của sự hội tụ, sự kết tinh, sự tích hợp của các lĩnh vực, các công nghệ cao nhất của thời đại, là sự tiến hóa của máy móc. Theo đó, phải xác định Việt Nam đang chủ yếu là người ứng dụng công nghệ, chứ không phải là người tạo ra các công nghệ của cuộc CMCN 4.0, do đó không thể là người dẫn đầu hoặc dẫn dắt thế giới này được. Nhưng đồng thời cũng không được quá tự ti, “run rẩy”, bi quan trước sự cách biệt quá xa về trình độ công nghệ của Việt Nam so với các nước phát triển mà không dám hành động. Phải hiểu rằng thứ bậc của cuộc CMCN 4.0 là rất khác nhau.
Chúng ta đánh giá mình đúng để rồi có bước đi đúng; không nên và không được ứng xử với bản thân và xã hội là chúng ta rất giàu có, rất giỏi giang như tưởng tượng mà thực chất là không hề như vậy - điều đó sẽ ngăn cản sự phát triển của đất nước.
(2) Thứ hai là, cần đổi mới căn bản về tư duy và thực hiện quy hoạch phát triển một cách khoa học thực sự, phải mạnh dạn có những cách nhìn đột phá.
Các chính sách về kinh tế, về KH&CN phải chịu điều tiết, chịu sự tác động và phù hợp với các quy luật trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Muốn có chính sách đúng phải có dự đoán, dự báo đúng. Cách tốt nhất để dự đoán, dự báo về tương lai đấy chính là tìm cách sáng tạo ra nó.
Trong quá trình này phải dũng cảm nhận thức những đổi mới về tư duy do KH&CN đưa lại, như về sức mạnh quốc gia, tầm ảnh hưởng quốc gia; công ti đa quốc gia; nguồn nhân lực... Chúng ta cần phải thay đổi để xứng đáng với trí tuệ người Việt Nam. Trong quá trình này, có thể phải chấp nhận thay đổi những quan điểm, những tư tưởng, những cách nhìn nhận đã tồn tại trong lịch sử không chỉ hàng chục năm, mà có thể là hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm.
(3) Thứ ba là, phát triển nội lực Việt Nam dựa trên nền tảng trí tuệ Việt Nam.
Chúng ta muốn có bước đi trong cuộc CMCN 4.0 thì phải dựa chính vào trí tuệ của Việt Nam để xây dựng nội lực Việt Nam, trí tuệ ở đây là trí tuệ thật, không vay mượn. Nhưng phải biết rằng trí tuệ thực sự của một quốc gia không đơn thuần trí tuệ của từng cá nhân, nó là công năng của cả một hệ thống tạo nên. Nghĩa là sự tổng hợp tích hợp, theo ngôn ngữ của Bác Hồ là sự đoàn kết, còn ngôn ngữ của cuộc CMCN 4.0 chính là sự hội tụ.
Trí tuệ gắn với nó là nhân tài. Phải trọng dụng nhân tài. Người xưa đã dạy “Được nhân tài là được cả thiên hạ, mất nhân tài thì mất thiên hạ”. Đây là giai đoạn mà cạnh tranh giữa các tổ chức, giữa các quốc gia chính là cạnh tranh bằng nhân tài.
(4) Thứ tư là, coi sự đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo là linh hồn của sự tiến bộ KH&CN nói riêng và của cả dân tộc nói chung, là động lực cơ bản để xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phải xác định không những cần đổi mới, mà Việt Nam cần đổi mới một cách mạnh mẽ. Tiến hành ứng dụng, công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, cung cấp dịch vụ mới, chiếm lĩnh thị trường, thực hiện giá trị thị trường là nhiệm vụ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp là chủ thể của sáng tạo và đổi mới công nghệ. Trong quá trình này “ý tưởng” phải được coi như một đối tượng của hoạt động KH&CN.
(5) Thứ năm là, trong quá trình đổi mới phải rất cố gắng để tiến nhanh nhưng phải vững chắc, không nóng vội, tránh nhầm lẫn việc ứng dụng công nghệ với việc mua thiết bị về dùng.
Theo đó, phải lựa chọn một số lĩnh vực, ngành, vùng đi tắt vào hiện đại, có sức lan tỏa toàn nền kinh tế, làm đầu tàu dẫn dắt toàn bộ nền kinh tế. Đồng thời cũng phải có những bước đi rất cơ bản kẻo chúng ta lại chỉ là người mua hàng, giống như mua hàng xịn dùng nhưng không hề hiểu cấu trúc của nó. Nếu chỉ như vậy thì sẽ không bao giờ giàu và mạnh được.
(6) Thứ sáu là, phải hình thành những sản phẩm chủ đạo mang sắc thái riêng, phải tạo nên các công nghệ, sản phẩm công nghệ mang thương hiệu Việt của trí tuệ người Việt và cho người Việt.
Đất nước đang trong quá trình phát triển ở giai đoạn còn thấp, mới chỉ thoát ra khỏi nước nghèo, chưa giàu có, do đó phải biết lựa chọn những công nghệ thực sự mang tính đột phá nhưng phù hợp với tố chất con người Việt Nam, trên cơ sở đó để chuyển giao, biến thành các sản phẩm cụ thể.
Thúc đẩy đổi mới cơ cấu kinh tế, mô hình kinh tế theo hướng cần đến KH&CN. Nếu KH&CN không phát triển được thì không thể nào phát triển đất nước được. KH&CN chỉ có thể phát triển lành mạnh trong một môi trường kinh tế lành mạnh cần đến KH&CN. KH&CN phát triển sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng, an ninh được đảm bảo, nếu không đất nước sẽ suy vong.
(7) Thứ bảy là, trên cơ sở nhận thức đúng, hiểu đúng về bản chất của cuộc CMCN 4.0 để có giải pháp thông minh không để cho đối tác lợi dụng Việt Nam còn nghèo, cần tiền, cần vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu chính sách hợp lý mà đưa công nghệ lạc hậu vào nước ta.
Hiểu đúng bản chất của cuộc CMCN 4.0 là cuộc cách mạng có sự cạnh tranh quyết liệt nhất về trình độ công nghệ, về nhân tài. Từ đó, cần phải coi trọng, tôn trọng KH&CN, giáo dục và đào tạo, để giáo dục và đào tạo cùng với KH&CN là động lực chính của sự phát triển. Phát triển đất nước phải thực sự dựa vào và bằng KH&CN.
(8) Thứ tám là, phát triển KH&CN nước ta phải tiến hành đồng thời trên cả 03 trụ cột: 1) Chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại nhất từ nước ngoài vào Việt Nam; 2) Chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ của người Việt Nam trong lãnh thổ Việt Nam; 3) Chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài. Dù là trụ cột nào thì cũng phải dựa vào năng lực nội sinh của quốc gia là quyết định.
(9) Thứ chín là, phải biết tự hào về những gì mà chúng ta đã làm nên lịch sử quá khứ của dân tộc, trong đó có KH&CN. Có tự hào về quá khứ thì chúng ta mới có điểm tựa để vươn tới tương lai.
Có niềm tin vào con đường đã chọn với giải pháp hành động đã quyết thì chúng ta mới dũng cảm để bước lên phía trước. Bản chất của cuộc CMCN 4.0 là sự hội tụ. Sự hội tụ chính là sự đoàn kết. Bác Hồ của chúng ta đã dạy “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”, mà đoàn kết là tố chất tốt đẹp của dân tộc ta đã được trải nghiệm, không phải vay mượn, chỉ cần phát huy tốt trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta có quyền tin vào thế hệ trẻ hôm nay, những người thông minh, giàu khát vọng vươn lên cho đời mình và đất nước. Chúng ta có niềm tin và sẽ hành động theo niềm tin đó, chắc chắn sẽ có vị trí xứng đáng trong cuộc CMCN 4.0. Nếu chúng ta để mất niềm tin này, có thể dẫn đến sẽ mất tất cả những gì đã xây dựng nên bằng máu biết bao thế hệ.
(10) Thứ mười là, điều quan trọng nhất, đó là phải quán triệt sâu sắc và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc tất cả chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về KH&CN, về giáo dục và đào tạo bởi vì Bác Hồ đã dạy “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, nên mọi quyết định của Đảng ta là đúng đắn./.
Xem phần 5 tại đây
Nguồn: TSKH. Phan Xuân Dũng
Ủy viên BCHTW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận